Bảo đảm an ninh nguồn nước vì sự phát triển bền vững

Đảm bảo an ninh nguồn nước là một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia trên thế giới. Là quốc gia chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nguồn nước chủ yếu phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng, Việt Nam cần có những giải pháp phù hợp, linh hoạt và cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản của an ninh nguồn nước; trong đó, giải pháp quản lý nhà nước được cho là cốt lõi, là tiền đề và định hướng cho các giải pháp khác.

Bảo đảm an ninh nguồn nước vì sự phát triển bền vững

Ảnh minh họa

Hoàn thiện khung pháp lý về khai thác và quản lý tài nguyên nước

Thứ nhất, hiện nay các công cụ kinh tế trong quản lý TNN chưa thực sự khuyến khích việc sử dụng nước bền vững và tối ưu. Chẳng hạn, giá nước theo quy định để chi trả cho dịch vụ thủy lợi trong Luật Thủy lợi năm 2017 không phân biệt giữa khu vực khan hiếm và khu vực dư thừa nước. Điều này khiến chính sách ít có tác động khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm cũng như nỗ lực phân bổ lại nước cho các mục đích năng suất hơn. Do vậy, cần rà soát, điều chỉnh các công cụ kinh tế nhằm thay đổi tự nguyện hành vi của đối tượng sử dụng nước và cho phép người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm sử dụng nước hợp lý.

Thứ hai, chưa có cơ chế chi các khoản thu từ khai thác và sử dụng TNN cho các hoạt động bảo vệ và giám sát khai thác nguồn nước nên 100% tiền thu được nộp lại cho NSNN mà không chi trả trực tiếp cho các hoạt động này. Ngoài ra, việc thực thi Nghị định 82/2017/NĐ-CP quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác TNN trong thực tiễn còn một số vướng mắc như: Quy định các đối tượng nộp tiền chưa rõ ràng, căn cứ tính tiền trên cơ sở tầng chứa nước khai thác là chưa phù hợp hay một số nội dung liên quan đến việc kê khai, tính, phê duyệt và thu nộp tiền cấp quyền khai thác TNN chưa hướng dẫn cụ thể,… Do vậy, nhằm hướng tới việc sử dụng TNN bền vững nhất là trong giai đoạn BĐKH làm gia tăng ô nhiễm và căng thẳng nguồn nước, Nhà nước cần xây dựng cơ chế chi cho quản lý TNN cũng như có các điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung các chính sách hiện hành có liên quan cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng nguồn thu để bảo vệ nguồn nước. Cụ thể, đối với chính sách phí ô nhiễm, cần có lộ trình nâng dần càng sớm càng tốt để tạo nguồn kinh phí cho xử lý nước. Về thuế TNN, cần đánh giá lại mức thu để không bỏ sót đối với nhiều đối tượng có thể thu và cần thu.

Thứ ba, để giảm mức độ căng thẳng về nguồn nước tại các LVS và đảm bảo sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết những vấn đề chung trong khai thác, bảo vệ TNN, cần xây dựng cơ chế điều phối, giám sát trong hoạt động quản lý TNN ở các LVS. Đồng thời, cần tăng cường trao quyền cho các tổ chức quản lý LVS và bảo đảm các tổ chức này đại diện đầy đủ quyền lợi của các bên liên quan. Có như vậy, các tổ chức mới thực sự phát huy sức mạnh, nguồn lực để lập quy hoạch và quản lý tổng hợp LVS giúp giải quyết các vấn đề liên ngành như quản lý dòng chảy, ô nhiễm, lũ lụt và khả năng chống chịu hạn hán nhất là trong bối cảnh BĐKH.

Thứ tư, cần xây dựng hệ thống thông tin TNN quốc gia. Quản lý TNN là một hoạt động dựa trên kiến thức nhưng hiện tại còn gặp khó khăn bởi thiếu thông tin và tiếp cận thông tin. Hiện nay, thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc TNN còn phân tán và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý TNN. Các vấn đề mang tính liên ngành vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý TNN với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh. Để củng cố các quy hoạch TNN và quản lý rủi ro, Việt Nam cần tăng cường thông tin TNN, củng cố và mở rộng thu thập dữ liệu về TNN. Việc tạo ra hệ thống sẽ giúp chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành cũng như tăng cường quản lý tổng hợp TNN và củng cố các chính sách về TNN, giúp các cơ quan và các bên liên quan phối hợp hiệu quả hơn, cung cấp thông tin nhất quán về tình hình an ninh nguồn nước và hỗ trợ dự báo hạn hán theo thời gian.

Thứ năm, hiện nay khung pháp lý cho việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra vẫn còn thiếu và chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp thực thi công tác BVMT. Do vậy, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả thải nước; kiểm soát chặt các hoạt động phòng, chống ô nhiễm suy thoái, cạn kiệt các nguồn nước ngay từ khi triển khai đầu tư các dự án phát triển KT-XH. Ngoài ra, triển khai thực hiện các đề án kiểm kê TNN, kiểm kê hiện trạng khai thác sử dụng TNN theo Kế hoạch quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp TNN đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ sáu, Bộ TN&MT cần sớm cập nhật, bổ sung kịch bản về BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam đến cấp xã, tiếp tục hoàn chỉnh bản đồ phân bổ nguồn nước mặt, nước dưới đất làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, người dân kịp thời cập nhập thông tin liên quan đến BĐKH cũng như tình hình ANNN, để có những biện pháp ứng phó nhằm đảm bảo duy trì nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tài nguyên nước

Năng lực quản lý TNN ở các cấp được phân quyền còn khá yếu, đặc biệt là dưới cấp tỉnh. Theo đó, hơn 70% ngân sách thủy lợi được quản lý bởi các UBND tỉnh chứ không phải là Bộ NN&PTNT. Do đó, cần tiếp tục kiện toàn, củng cố và tăng cường bộ máy quản lý TNN ở các cấp, nhất là cấp Sở và Phòng TN&MT cấp huyện.

Đào tạo, nâng cao nhân lực trong các cơ quan quản lý ở các cấp, cả về năng lực chuyên môn phục vụ quản lý TNN, năng lực đàm phán liên quan đến nguồn nước liên quốc gia cũng như năng lực ứng dụng KHCN nhằm giúp việc ban hành và thực thi các chính sách về quản lý, sử dụng bền vững TNN nhất là trong bối cảnh TNN chịu tác động nặng nề bởi BĐKH.

Cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan về việc quản lý TNN. Hiện các văn bản QPPL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan QLNN về TNN còn nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật mà chưa có một văn bản quy định thống nhất về vấn đề này. Điều này dẫn đến tình trạng có sự chồng chéo trong hoạt động, sự phân công trách nhiệm của các cơ quan. Mặt khác, việc phân cấp thẩm quyền nhiều cho các địa phương có thể gây khó khăn trong việc thống nhất QLNN ở cấp trung ương. Do vậy, cũng cần tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các Bộ và UBND các cấp, đặc biệt là giữa Bộ TN&MT và các Sở TN&MT.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Hiện nay, tất cả các con sông chảy qua địa phận Việt Nam có rất ít hoặc không có thỏa thuận xuyên biên giới về các tác động có thể xảy ra khi có cú sốc về thiên tai. Vì vậy, cần thiết lập cơ chế hợp tác tự nguyện giữa các quốc gia đối với các LVS chưa có thỏa thuận phối hợp như LVS Hồng – Thái Bình. Ngoài ra, đối với sông Mê Công, dù có thỏa thuận về hợp tác sử dụng nước nhưng hai quốc gia thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar chỉ tham gia Ủy hội sông Mê Công với tư cách “Đối tác đối thoại” chứ chưa phải là thành viên chính thức. Theo đó, cần tăng cường các cơ chế hợp tác giữa các nước thuộc vùng sông Mê Công và xác định những cách thức mới để mở rộng đối thoại với tất cả các quốc gia này nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu nước trong mùa khô và lũ lụt trong bối cảnh BĐKH làm gia tăng hạn hán cho các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Là vùng đất mà việc đảm bảo an ninh nguồn nước chịu tác động nặng nề nhất từ các hoạt động kiến tạo trên dòng Mê Công, Đồng bằng sông Cửu Long cần một cơ chế hợp tác chặt chẽ trên tinh thần tôn trọng, tin cậy, chia sẻ lợi ích giữa các quốc gia thành viên. Đồng thời, tích cực tạo sự đồng thuận trong việc định hướng mô hình phát triển bền vững lưu vực Mê Công và trong cộng đồng ASEAN – Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Cùng với đó, để những cam kết trong các Hiệp ước khai thác nước giữa các quốc gia láng giềng thực thi có hiệu quả, cần đề cao vai trò của hợp tác cùng phát triển. Theo đó, các quốc gia thượng nguồn cần tính toán đến các tác động tiêu cực đối với các quốc gia khác khi triển khai kế hoạch phát triển của mình.

ThS. NGUYỄN VĂN THÀNH

Viện Khoa học Thủy lợi