Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Triển khai công việc phải hướng về cơ sở

Bộ trưởng trần Hồng Hà phát biểu triển khai công việc phải hướng về cơ sở

Sáng ngày 06/3, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp giao ban tháng 2/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo Bộ trưởng, ngay những ngày đầu năm 2017, các đơn vị của Bộ đã có những chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành, đặc biệt đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện phương châm hành động, lấy phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, hướng về cơ sở là trọng tâm trong triển khai nhiệm vụ.
Tham dự cuộc họp có các Thứ trưởng: Chu Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Linh Ngọc, Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tại Hà Nội.
Cần lắng nghe và có cảm xúc khi thi hành công vụ

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã quan tâm, triển khai các chương trình, kế hoạch công tác một cách bài bản, trong đó chú trọng đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo tiền đề triển khai công việc trong các tháng tiếp theo.

Bộ trưởng cũng ghi nhận tinh thần quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ của các đơn vị. Toàn ngành đã triển khai nhiệm vụ một cách bài bản, khoa học; việc theo dõi, đánh giá tiến độ và chất lượng công việc đã được quan tâm và bước đầu có chuyển biến. “Hiệu quả các công việc mà ngành chúng ta triển khai, thực hiện đang được người dân, doanh nghiệp và xã hội hết sức quan tâm, mong đợi.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Nhắc lại quyết tâm của Chính phủ nhiệm kỳ mới với phương châm “quyết liệt, liêm chính, hành động và gần dân”, Bộ trưởng yêu cầu từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ phải đổi mới trong suy nghĩ, tư duy và hành động; đổi mới lề lối làm việc và phương pháp tổ chức công việc nhằm nâng cao hiệu quả công việc; đặt mục tiêu, kết quả thực hiện công việc lên hàng đầu.

“Tất cả công việc của chúng ta hôm nay, dù lớn hay nhỏ, đều phải nhìn về cơ sở, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Cụ thể như trong quản lý đất đai, phải nắm bắt được người dân, doanh nghiệp và xã hội đang cần gì? Đối với công tác bảo vệ môi trường, phải biết được môi trường đang bức xúc ở đâu? Ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp thế nào? Giải pháp xử lý ra sao? … Đồng thời từng thủ trưởng đơn vị phải nhận thức rõ, khi có bất cứ vấn đề gì thuộc phạm vi quản lý của ngành xảy ra ở bất cứ đâu thì đơn vị cũng phải chủ động nắm bắt thông tin, tham mưu cách xử lý kịp thời… Nếu chúng ta không lắng nghe, không thực sự có cảm xúc về các vấn đề đó thì thưa các đồng chí, chúng ta sẽ không bao giờ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

_MG_1088 resize

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng tại cuộc họp giao ban

Không ngừng đổi mới trong chỉ đạo điều hành

Tiếp tục đề cập đến công tác chỉ đạo điều hành, Bộ trưởng cho biết, ông hết sức quan tâm đến vấn đề đổi mới trong phương pháp điều hành. Bộ trưởng cũng ghi nhận và vui mừng khi các cơ quan của Bộ TN&MT từ Ban Cán sự Đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ cho đến các lĩnh vực, các đơn vị đều có Chương trình hành động cho toàn khóa và Chương trình đó được triển khai cho đến từng lĩnh vực, từng cán bộ.

Bộ trưởng phân tích: “Nếu mỗi cán bộ, mỗi tập thể làm việc mà không có chương trình, không có kế hoạch, không có giải pháp, không có sự phân công, gắn kết… thì không bao giờ có thể thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần phải có một chương trình bài bản; phân công, phân cấp một cách cụ thể trong chỉ đạo điều hành. Và trong chương trình đó, mục tiêu trọng tâm, nhiệm vụ chính phải tập trung đó là việc giải quyết các yêu cầu, nguyện vọng, đòi hỏi chính đáng của nhân dân, của doanh nghiệp, vì sự phát triển của đất nước.

Bộ trưởng cũng yêu cầu trong chương trình công tác của các đơn vị phải thể hiện được đầy đủ việc triển khai các ý kiến chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như của Ban Cán sự đảng, Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ. Các chỉ đạo này đều phải được cụ thể hoá bằng một kế hoạch cụ thể và được thực hiện một cách khẩn trương với tinh thần cao nhất. Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật các nhiệm vụ; bảo đảm hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ TN&MT là một hệ thống luôn luôn chuyển động, luôn luôn có sự cải tiến để đáp ứng yêu cầu công việc.

Đặc biệt, dù đánh giá cao những chuyển biến trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử của ngành TN&MT trong thời gian gần đây, Bộ trưởng vẫn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục rà soát, đổi mới để không ngừng nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ được giao, hướng đến mục tiêu hiện đại hóa công tác quản lý ngành TN&MT trong thời gian tới.

HNM_1941

Toàn cảnh cuộc họp sáng ngày 06/3

Tập trung triển khai những vấn đề cấp bách

Đối với từng nhiệm vụ cụ thể của các lĩnh vực trong tháng 3 và thời gian tới, sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng đã trực tiếp có các chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực. Bộ trưởng yêu cầu các lĩnh vực nhất là các đơn vị quản lý tổng hợp tiếp tục rà soát lại các chương trình công tác trong đó cần đặt ra những nhiệm vụ sát với thực tiễn công việc của Ngành; sát với yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đề ra. Cụ thể:

Trong lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý Đất đai đặt trọng tâm quyết liệt là quy hoạch đất đai. Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu triển khai ngay những quy định của Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, trong đó quan tâm đến các trường hợp được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Nghị định này. Bộ trưởng cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các Đề án mà Chính phủ giao như: Đề án thí điểm việc thế chấp tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài; Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban Quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp đang sử dụng; Đề án nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát triển KT-XH. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật đất đai; trên cơ sở đó mới có thể triển khai được các chính sách về tích tụ đất đai, cũng như đề xuất được nguồn lực thực hiện; cuối cùng thực hiện sao cho có hiệu quả các công cụ quản lý như quy hoạch, thống kê đất đai, dữ liệu và vận hành toàn hệ thống quản lý đất đai sao cho có hiệu quả và minh bạch.

“Các nhiệm vụ đề xuất phải rõ ràng, hướng đến việc bảo đảm đất đai được chia sẻ cho nhiều thế hệ” – Bộ trưởng nhấn mạnh đối với việc chỉ đạo xây dựng và đề xuất, triển khai các nhiệm vụ của lĩnh vực đất đai.

Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước rà soát các nhiệm vụ cấp bách mà Quốc hội, Chính phủ yêu cầu. Bộ trưởng lưu ý đến việc triển khai xây dựng Quy hoạch sông Hồng và quy hoạch các lưu vực sông lớn vì đây chính là công cụ quan trọng nhất để Nhà nước quản lý các dòng sông, quản lý nạo vét, khai thác khoáng sản dưới lòng sông,… Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu quan trắc và cập nhật số liệu, dữ liệu của tất cả các hồ chứa trên cả nước…

Ở lĩnh vực địa chất và khoáng sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam báo cáo ngay về tình hình khai thác cát sỏi lòng sông; nạo vét, tận thu cát nhiễm mặn để trình Thủ tướng Chính phủ tạm dừng ngay việc xuất khẩu cát nhiễm mặn. Rà soát các cơ chế chính sách liên quan đến khai thác, tận thu khoáng sản bảo đảm hiệu quả, minh bạch. Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục nghiên cứu đề xuất việc tăng cường ứng dụng công nghệ cao như: lắp đặt hệ thống cân tự động, camera giám sát tự động tại các mỏ khai thác khoáng sản nhằm kiểm soát chặt chẽ, tránh thất thu trong hoạt động khai thác…

Với lĩnh vực môi trường, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp tục giám sát nghiêm ngặt việc khắc phục các tồn tại, vi phạm của Công ty Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu việc kiểm tra và xem xét việc cấp phép vận hành thử của Formosa phải dựa trên kết quả làm việc và quan điểm của các nhà khoa học trong và ngoài nước…

Đối với lĩnh vực biển và hải đảo, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam bám sát, hoàn thiện, báo cáo thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCHTW khóa X về Chiến lược biển Việt nam đến năm 2020; Quy chế phối hợp trong việc cấp phép, trao đổi thông tin, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội về dự thảo Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017-2027; hoàn thiện tài liệu Tổ chức họp Ban điều phối thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

Lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cần tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy; rà soát các chính sách pháp luật hướng đến thực hiện chủ trương xã hội hóa các sản phẩm, dịch vụ khí tượng thủy văn; theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, xâm nhập mặn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu,…

Đối với việc chuẩn bị trình dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam chuẩn bị tốt nhất cho việc trình dự án Luật, trong đó quan tâm làm rõ về cơ chế quản lý, đặc biệt trong sử dụng hạ tầng thông tin địa lý,…

Ngoài ra, đối với việc điều phối hoạt động quản lý của các đơn vi tổng hợp, Bộ trưởng cũng yêu cầu nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý tổng hợp, khâu nối đối với các đơn vị chuyên môn trong Bộ; thống nhất việc tổ chức các hội nghị giao ban vùng; tổng kết, triển khai các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của Ngành; cũng như kịp thời phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các văn bản, chính sách pháp luật mới của Ngành.

“Xây dựng được kế hoạch và chương trình công tác, thì giải pháp thực hiện mới là quan trọng. Do vậy, các Vụ: Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Kế hoạch Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Hợp tác quốc tế, đến Thi đua – Khen thưởng và Tuyên truyền đều phải chủ động hơn, tích cực hơn, vận động đổi mới, khâu nối hiệu quả. Đặc biệt nâng cao vai trò chỉ đạo và kết nối, phối hợp giữa Đảng và Chính quyền, phát huy cao nhất hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Bộ và ngành TN&MT”. – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng một lần nữa quán triệt tinh thần làm việc quyết liệt, đổi mới tới từng đơn vị. “Tôi đề nghị các đồng chí, cuộc họp lần sau chúng ta sẽ rà soát, đánh giá kỹ hơn, cụ thể hơn từng nhiệm vụ của ngành và của từng lĩnh vực, từng đơn vị. Tôi nghĩ, nếu như hiện nay chúng ta giao ban trong một buổi thì sắp tới, chúng ta sẽ tăng gấp đôi thời gian của các buổi giao ban để có thể giải quyết hết các nhiệm vụ trong tháng, trong quý…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.