Cần có chiến lược nhìn xa trông rộng để môi trường thực sự là trụ cột trong phát triển bền vững

HoithaoKSON2017c
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tại Hội nghị “Quốc tế lần thứ 3 về Ô nhiễm, phục hồi và quản lý môi trường” tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra ngày 8/3.
​Hội nghị do Hội Hoá học và Độc học môi trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trường Đại học Loyola Chicago (Hoa Kỳ) và Trường Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Tham dự Hội nghị còn có Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cùng lãnh đạo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ TN&MT, tỉnh Bình Định, cùng sự tham gia của 250 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ 35 quốc gia trên thế giới.
Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học và nhà quản lý môi trường từ nhiều quốc gia trên thế giới gặp mặt, trao đổi thông tin, bao gồm đánh giá rủi ro và tác động đến sức khỏe con người; chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm quản lý; thảo luận về các vấn đề môi trường cùng quan tâm; đồng thời tiếp tục tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và quản lý môi trường giữa các các quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã khái quát lịch sử ba cuộc cách mạng công nghiệp thế giới. Bộ trưởng cho rằng, thế giới cần phải nhận diện được những thách thức to lớn mà con người đang phải đối mặt, đó là: Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu – những hậu quả do quá trình phát triển của chính con người gây ra.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có vị trí địa lý quan trọng, là cầu nối giao thương của nhiều nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, với những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, v.v… Tuy nhiên, môi trường sinh thái và con người tại nhiều khu vực ở Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tồn lưu chất độc hoá học da cam/dioxin.
HoithaoKSON2017b
Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh những thách thức trong khắc phục hậu quả về môi trường do chiến tranh để lại, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường, đó là:

Một là, theo dự báo, ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường sẽ tiếp tục gia tăng, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm.

Theo Báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường hàng năm, ô nhiễm môi trường ở Việt Nam diễn ra ở môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí. Trong thập niên vừa qua, nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng đã xảy ra. Ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường diễn ra ở Việt Nam chủ yếu do hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều nơi, công tác bảo vệ môi trường bị xem nhẹ, nguyên tắc để đảm bảo phát triển bền vững không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, các loại ô nhiễm xuyên biên giới đã tác động hoặc có nguy cơ tác động ngày càng nhiều hơn đến môi trường sinh thái.

Hai là, công tác quản lý môi trường còn nhiều hạn chế.

Hệ thống văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, thiếu khả thi, thiếu khả năng dự báo. Nguồn lực về con người, tài chính và cơ cấu tổ chức chưa được sắp xếp tối ưu; sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ; năng lực thể chế và kỹ thuật để ứng phó với sự cố môi trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Năng lực quản lý, ứng phó, thích nghi với môi trường cần phải được củng cố, tăng cường mạnh mẽ hơn nữa, cho cả các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị khoa học kỹ thuật, để có thể đáp ứng với những điều kiện môi trường mới, nhiều biến động như hiện nay.

Ba là, biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhanh hơn dự báo, tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Biến đổi khí hậu đã tác động đến môi trường nhiều năm qua và ngày càng rõ nét hơn được thể hiện qua các hiện tượng thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan, hạn hán khắc nghiệt. Theo kịch bản tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam là một trong năm nước sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực nhất. Trong tương lai, biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp hơn, trên nhiều lĩnh vực, như ô nhiễm lưu vực sông, ô nhiễm biển, ô nhiễm không khí,… Những thách thức về môi trường đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược nhìn xa trông rộng để môi trường thực sự là trụ cột trong phát triển bền vững.

Để đối mặt và giải quyết các thách thức to lớn về môi trường, Việt Nam đã đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, trong đó đề cập đến rất nhiều thách thức và các hoạt động cụ thể để tập trung giải quyết một số vấn đề môi trường bức xúc trước mắt; đồng thời định hướng cho việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lâu dài.

“Để thực hiện thành công các chủ trương, chính sách quan trọng về môi trường, Việt Nam rất cần có sự hỗ trợ hiệu quả của các nhà khoa học trong và ngoài nước để đưa ra được những biện pháp có tính đột phá, tiếp cận với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ TN&MT cùng các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã trao đổi thông tin về một số vấn đề môi trường nổi bật tại Việt Nam và lên kế hoạch thiết lập mạng lưới liên kết, hợp tác giữa Bộ TN&MT với các nhà khoa học quốc tế. Các nhà khoa học đã trình bày kết quả nghiên cứu khoa học, thảo luận về các vấn đề môi trường hiện tại và chia sẻ kinh nghiệm quản lý môi trường nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa các nước phát triển và đang phát triển.