Công ty Điện lực Quảng Ninh đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ

Để đảm bảo an toàn cho phát triển bền vững, sự bình yên cuộc sống cho người lao động, giữ vững an ninh trật tự chung của cộng đồng xã hội, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) thường xuyên tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, Công ty Điện lực Quảng Ninh  luôn chú trọng công tác huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; quản lý và duy trì hoạt động của  đội phòng cháy và chữa cháy; thường xuyên kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Công ty Điện lực Quảng Ninh tích cực tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy đến toàn thể người lao động và khách hàng sử dụng điện, nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức trong công tác phòng cháy chữa cháy.

PC Quảng Ninh  kiểm tra trang bị PCCC tại trạm biến áp 110 kV Khe Chàm

Thực hiện Quyết định số 630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy. Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tăng cường thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý. Kiện toàn ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với yêu cầu thực tế; kiện toàn lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở theo quy định của luật phòng cháy, chữa cháy.

Cụ thể, công tác tổ chức bộ máy hoạt động về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNC) từ đơn vị đến cơ sở được Công ty thực hiện nghiêm túc. Thành lập Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ gồm 8 người, phân công nhiệm vụ kèm theo cho các thành viên trong Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Chịu trách nhiệm toàn bộ về tổ chức chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chung trong toàn Công ty.

Các Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cơ sở tại các Điện lực theo địa bàn thành phố, huyện, thị quản lý gồm có 13 Ban chỉ huy phòng cháy chưa cháy và cứu hộ cứu nạn tại các đơn vị cơ sở được thành lập và có phân công nhiệm vụ cụ thể, chịu trách nhiệm công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và xử lý các tình huống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi được giao quản lý. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ dưới sự điều hành từ Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng phòng cháy, chữa cháy và tăng cường kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Công ty đã phối hợp thực hiện nghiêm túc bố trí cán bộ tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ kiểm tra các chợ, khu Trung tâm thương mại, các nhà cao tầng trên địa bàn các huyện, thị, thành phố. Tham gia ý kiến trực tiếp với các đơn vị quản lý đảm bảo an toàn phòng ngừa cháy nổ trong sử dụng điện.

Hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn

Công tác phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường, kiểm tra hệ thống mạng lưới điện để phòng ngừa nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy từ hệ thống, thiết bị điện, đặc biệt là các khu vực khách hàng sử dụng điện kết hợp nhà ở và nơi kinh doanh buôn bán. Đây cũng là một trong những giải pháp tiếp cận tham gia ý kiến trực tiếp với các đơn vị quản lý đảm bảo an toàn phòng ngừa cháy nổ trong sử dụng điện.

Qua kiểm tra, Công ty đã có ý kiến tham gia với Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong các trường hợp phát hiện việc sử dụng điện không đảm bảo an toàn có thể xảy ra nguy cơ cháy nổ cao để yêu cầu đơn vị quản lý phải khắc phục.

Phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Quảng Ninh diễn tập PCCC tại Điện lực TP. Hạ Long

Diễn tập PCCC tại trạm biến áp 110 kV Giáp Khẩu

Phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Ninh, thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại đơn vị như hàng năm tổ chức diễn tập phương án chữa cháy. Qua đó, được hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sử dụng thành thạo các phương tiện phòng cháy, chữa cháy được trang bị.

Phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh tại chợ Hải Hà

Nhân kỷ niệm 60 năm lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (4/10/1961- 4/10/2021), 20 năm Ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy (4/10/2001- 4/10/2021), toàn thể cán bộ công nhân viên của PC Quảng Ninh tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng cháy chống cháy trên mạng xã hội và hãy cùng nhau lan tỏa thông điệp “Phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân; không để xảy ra cháy, nổ là hạnh phúc của mọi nhà!”.

Một số biện pháp phòng cháy:

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khâu sản xuất và môi trường từ đặc điểm dễ cháy trở thành không cháy và khó xảy ra cháy.

Cần ngăn chặn và triệt tiêu các nguồn nhiệt gây cháy, đồng thời có biện pháp quản lý tốt nguồn sử dụng nhiệt, nguồn lửa trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt.

Chú trọng việc lắp đặt hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy tự động, cần cách ly những chất có thể gây cháy và những máy móc thiết bị có khả năng sinh nhiệt khi hoạt động với nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Cần hạn chế diện tích bảo quản chất cháy, diện tích sản xuất với thiết bị, máy móc tới mức cần thiết. Có thể ngăn chặn đường lây lan của lửa bằng cách xây dựng tường ngăn cháy hoặc các cửa ngăn để bao vành đai trống, lắp đặt các thiết bị chống cháy tràn lan.

Các biện pháp phòng cháy chữa cháy cơ bản:

Ngăn cách oxy với chất cháy Đây là phương pháp phòng cháy bằng việc cách ly oxy với chất cháy, tách rời chất cháy khỏi vùng cháy. Biện pháp này được tiến hành bằng cách sử dụng những thiết bị chữa cháy đậy phủ lên bề mặt chất cháy, giúp ngăn chặn oxy có trong không khí với vật cháy. Bên cạnh đó, mọi người cần đồng thời di chuyển vật cháy ra khỏi vùng cháy. Bạn có thể sử dụng biện pháp cách ly bằng cách đậy cát, đậy chậu, vải bạt, bao tải, chăn, bọt chữa cháy.

Làm loãng nồng độ oxy và hỗn hợp chất cháy Đây là phương pháp làm ngạt, dùng các chất không tham gia phản ứng cháy phun vào vùng cháy, giúp làm loãng nồng độ oxy cũng như hỗn hợp cháy đến mức chúng bị ngạt và không thể duy trì được sự cháy nữa. Với phương pháp này, bạn cần sử dụng các chất để làm loãng nồng độ oxy như khí CO2, nitơ bọt trơ.

Sử dụng phương pháp làm lạnh Phương pháp này là việc sử dụng các chất chữa cháy cho khả năng thu nhiệt có nghĩa là làm giảm nhiệt độ đám cháy, làm chúng nhỏ hơn nhiệt độ bắt cháy, từ đó đám cháy sẽ tự tắt. Với cách này, các bạn cần đến các khí trơ lạnh như CO2, N2 và H2O.

Các biện pháp phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở:

Mỗi gia đình cần có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Bên cạnh đó, cần trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng để phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy CO2, các thiết bị chữa cháy cầm tay… Tất cả các thành viên trong gia đình phải học tập để sử dụng các dụng cụ chữa cháy được trang bị.

Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở gần những nơi đun nấu. Không nên dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở, trong trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít, đảm bảo các biện pháp an toàn.

Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy và cách xa những vật dễ cháy.

Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ khác có xăng, dầu, chất lỏng… dễ cháy nếu để trong nhà ở phải cách xa khu vực bếp đun nấu, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt. Lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung của toà nhà, từng tầng và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn, đồng thời khắc phục các hư hỏng có nguy cơ dẫn đến chạm chập, cháy nổ.

Ngọc Lan