Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Hướng tới phát triển bền vững

Từ ngày 7-8/3, tại Ninh Bình đã diễn ra hội thảo “Công bố kết quả hỗ trợ kỹ thuật về khu công nghiệp sinh thái cho doanh nghiệp và cộng đồng”, đồng thời công bố Sổ tay hướng dẫn ứng phó sự cố môi trường và thiên tai trong khu công nghiệp (KCN), giới thiệu nội dung bộ tiêu chí kinh tế xã hội xác định KCN sinh thái.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch năm 2019 của Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”.

phat trien khu cong nghiep sinh thai huong toi phat trien ben vung

Dự án Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững là một sáng kiến của Việt Nam, được Chính phủ phê duyệt từ năm 2014. Dự án nhận tổng vốn viện trợ không hoàn lại trên 4,5 triệu USD từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), thực hiện trong giai đoạn 2015 – 6/2019.

5 KCN tại các tỉnh Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ là đối tượng thí điểm mô hình KCN sinh thái. Tại đây, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia, các công ty đã phối hợp với nhau và phối hợp với cộng đồng địa phương nhằm giảm tác động không tích cực tới môi trường và giảm chi phí sản xuất.

Bà Trần Thanh Phương, Quản lý dự án Quốc gia, Dự án KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – UNIDO cho biết, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế địa phương và cả nước. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất trong KCN cũng đồng thời tạo ra các nguy cơ về các sự cố môi trường (ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí,..) , sự cố mất an toàn cháy nổ, sự cố hóa chất. Những sự cố này, nếu không được nhận thức và có giải pháp phòng ngừa thì khi xảy ra sẽ mang lại các hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất trong KCN và đặc biệt nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến an toàn cho cuộc sống của cộng đồng cư dân liền kề khu công nghiệp.

Đặc biệt, nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được sử dụng hiệu quả, nhiều giải pháp sản xuất sạch chưa được ứng dụng, mối liên kết cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp hoặc giữa các khu công nghiệp còn hạn chế, các dịch vụ trong khu công nghiệp chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao.

Theo đó, việc phát triển mô hình KCN sinh thái gắn chặt giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường được xem như hướng đi mới trước thực trạng phát triển cụm, KCN diễn ra mạnh mẽ tại nước ta hiện nay.

72 doanh nghiệp tham gia dự án đã được hỗ trợ đổi mới công nghệ theo quy trình hoàn thiện như đánh giá về sử dụng hiệu quả tài nguyên, áp dụng sản xuất sạch hơn, được hỗ trợ tiếp cận vay vốn đổi mới công nghệ từ các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính cam kết tài trợ cho dự án… Các doanh nghiệp còn được hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực vận hành và áp dụng công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất. Dự án còn góp phần cải thiện hiệu quả tài nguyên thông qua việc giảm sử dụng nguyên liệu thô, nước và năng lượng. Đồng thời cải thiện môi trường ở khu vực dân cư lân cận thông qua việc giảm phác thải khí nhà kính.

Bà Phương cho biết thêm, sau hơn 3 năm thực hiện dự án, các DN đã tiết kiệm được 9,321 triệu kWh giờ điện, 37 triệu m3 nước và khi quy đổi ra lợi ích môi trường, giúp giảm hơn 36 nghìn tấn CO2. Mức tiết kiệm của tất cả các nguyên vật liệu đầu vào, năng lượng được quy thành tiền tương ứng với 53 tỷ đồng. Kết quả của Việt Nam đã được các tổ chức, quốc gia thành viên GEF đánh giá cao, đồng thời thể hiện chiến lược phát triển kinh tế bền vững.

Riêng hai KCN tại Ninh Bình, ông Trần Mạnh Hiển, Phó Trưởng Ban quản lý các KCN Ninh Bình cho biết, từ năm 2015 đến nay, Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình đã phối hợp tích cực với phía Ban dự án trong quá trình thực hiện các hoạt động của dự án, rất nhiều hoạt động thiết thực có ích đã và đang triển khai thực hiện, như tăng cường năng lực về KCN sinh thái thông qua các đợt tập huấn, các khóa đào tạo. Các hoạt động thực hiện thí điểm mô hình KCN sinh thái tại một số doanh nghiệp trong các KCN. Trên cơ sở đề xuất của Đoàn chuyên gia, 15 DN thực hiện dự án tại Ninh Bình đã và đang áp dụng các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và đã ghi nhận được những hiệu quả cụ thể, thiết thực, đặc biệt là tiết kiệm điện, nước, nguyên nhiên liệu, giảm phát thải khí CO2…

Ninh Bình sẽ tích cực tham gia và tiếp tục phối hợp với các hoạt động của dự án để đạt được các lợi ích cụ thể, làm nền tảng, từng bước chuyển đổi sang mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” – ông Hiển nhấn mạnh.

Trong giai đoạn tới các nhà tài trợ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam những dự án mới, cách tiếp cận thực hiện sẽ tương tự như dự án cũ và triển khai rộng rãi hơn tới các tỉnh, các địa phương khác.

theo Congthuong.vn