Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường không khí hiện đại và bền vững: Tầm nhìn chiến lược bắt nhịp cùng thời đại
Với vai trò điều phối của Bộ TN&MT, hiện nay, mạng lưới các trạm, điểm quan trắc môi trường ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả nguồn tiềm lực cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực.
Bộ TN&MT đang lập dự án xây dựng hệ thống 19 trạm quan trắc tự động môi trường không khí tại 17 tỉnh/thành phố trên phạm vi cả nước và 20 trạm quan trắc môi trường không khí chuyên đề đo bụi PM2,5 trong giai đoạn từ năm 2020 – 2023.
Tập trung tại điểm nóng và nhạy cảm
Dự án “Đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí (giai đoạn I)” sẽ đảm bảo việc thực hiện quan trắc và kiểm soát chất lượng môi trường không khí trên địa bàn toàn quốc, nhất là một số điểm nóng và nhạy cảm về môi trường; từng bước hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2025; cung cấp thông tin, số liệu về hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí, kịp thời cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường tại các vùng; phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định các chính sách kinh tế – xã hội.
Việt Nam xây dựng một hệ thống quan trắc không khí hiện đại, đồng bộ |
Với mục đích đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng và lắp đặt 19 trạm quan trắc môi trường không khí, đảm bảo giám sát, theo dõi được chất lượng môi trường không khí và thông tin dữ liệu, cảnh báo tin cậy, kịp thời trong nhiệm vụ thường xuyên cũng như các nhiệm vụ đột xuất, cảnh báo để ứng phó khắc phục sự cố liên quan bảo vệ môi trường.
Để lựa chọn các điểm quan trắc mới, đơn vị thực hiện sẽ điều tra khảo sát các điểm phát sinh ô nhiễm môi trường không khí mới, so sánh với mạng lưới các điểm quan trắc đã được phê duyệt, trên quan điểm tại Quyết định 90/QĐ-TTg “mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia là một hệ thống mở, liên tục được bổ sung nâng cấp và hoàn thiện, được kết nối và chia sẻ thông tin từ Trung ương đến địa phương với sự quản lý thông nhất của Bộ TN&MT”. Từ đó, đề xuất các điểm quan trắc mới nhằm đảm bảo phục vụ kịp thời quản lý về môi trường. Các vị trí được khảo sát, lựa chọn kỹ lưỡng trên cơ sở các tiêu chí cụ thể về địa hình nơi quan trắc phải thuận tiện, thông thoáng và đại diện cho khu vực quan tâm, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quy định, nguyên tắc thiết kế, lựa chọn điểm quan trắc môi trường không khí, nước biển ven bờ và nước mặt.
Về công nghệ quan trắc thông số bụi (PM10, PM2,5): so với các trạm tự động đã được Bộ TN&MT cho phép Tổng cục Môi trường đầu tư vận hành trước đây theo công nghệ tán xạ ánh sáng, trong khuôn khổ dự án này, Tổng cục đề xuất sử dụng thiết bị đo bụi theo công nghệ suy giảm tia Beta. Đây là công nghệ đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, đồng thời, qua thực tế vận hành của một số trạm trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm như ở Việt Nam cho thấy, có độ ổn định và độ chính xác của số liệu cao.
Sẽ quan trắc được các độc tố trong không khí
Dựa trên các yếu tố công nghệ, kỹ thuật quan trắc tự động liên tục của thế giới, của các nước tiên tiến trong khu vực và kinh nghiệm vận hành các Trạm quan trắc môi trường không khí tự động trong điều kiện Việt Nam thời gian qua và yêu cầu về số liệu phục vụ theo dõi, đánh giá và kịp thời phát hiện, cảnh báo ô nhiễm các độc chất trong không khí, Tổng cục Môi trường đề xuất đầu tư các Trạm quan trắc không khí tự động, liên tục trong khuôn khổ Dự án sẽ quan trắc các thông số môi trường cơ bản theo QCVN 05:2013/BTNMT, gồm: SO2, NO-NO2-NOx, CO, O3, PM10, PM2,5.
Ngoài ra, căn cứ vào tình hình ô nhiễm môi trường không khí ở nước ta thời gian qua, dự án đề xuất đầu tư bổ sung hệ thiết bị lấy và phân tích thủy ngân (Hg) online theo thời gian thực trong không khí lắp đặt đồng bộ tại trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo ô nhiễm Thủy ngân khi phát hiện nồng độ chất ô nhiễm vượt ngưỡng QCVN 06:2009/BTNMT cho phép.
Mặt khác, hiện nay, hoạt động phát triển công nghiệp của các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm không khí cao (xi măng, nhiệt điện, thép…) và sự phát triển mạnh mẽ về số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, các độc chất trong không khí cũng có xu thế tăng dần theo thời gian; đặc biệt là tại các đô thị lớn và địa điểm gần các khu công nghiệp. Nhiều nước trên thế giới và các nước tiên tiến trong khu vực đã quan tâm quan trắc các độc chất trong không khí như: Chì, Cadimi, Asen, Niken, Crom… và hệ thống quan trắc ở cấp quốc gia cần đặc biệt quan tâm quan trắc các thông số này bên cạnh các thông số ô nhiễm cơ bản đã được nhiều trạm của trung ương và địa phương đã quan trắc. Do vậy, dự án đề xuất có thiết bị lấy mẫu bụi PM2,5 và chuyển filter bụi PM2,5 đã lấy về phòng thí nghiệm để phân tích các độc chất trong bụi (Pb , Cd, Ni, As, Cr…) theo QCVN 06:2009/BTNMT phục vụ theo dõi, đánh giá và kịp thời phát hiện, cảnh báo ô nhiễm các độc chất trong không khí.
19 trạm quan trắc môi trường không khí sẽ được lắp đặt tại 17 tỉnh/thành phố gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình. 20 trạm quan trắc môi trường không khí chuyên đề đo bụi PM2,5 sẽ lắp đặt tại 8 tỉnh/ thành phố: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Bình Dương.
Ngoài ra, các thông số khí tượng cũng cần được tính đến, gồm: Nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, tốc độ gió để có số liệu khí tượng tại vị trí, khu vực đặt Trạm quan trắc tích hợp với số liệu ô nhiễm nhằm đánh giá xu thế, mức độ lan truyền các chất ô nhiễm trong không khí thông qua các mô hình, phần mềm để phục vụ dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường không khí.
Theo Báo TN&MT