Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2020: Cùng hành động bảo vệ môi trường
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Điều này hạn chế các hoạt động tại cộng đồng song chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới” của Chiến dịch vẫn lan tỏa ý nghĩa lớn. Bởi chính từ dịch COVID-19, nhân loại thấm thía hơn bài học phải đối xử tốt hơn với môi trường sống nếu muốn đảm bảo an toàn cho cuộc sống của chính mình.
Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân về Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2020 cũng như việc làm thế nào để thay đổi nhận thức một cách bền lâu, biến nhận thức xanh thành hành động xanh trong mỗi người dân.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của chủ đề thông điệp của Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm nay?
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phát động trên phạm vi toàn cầu vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm. Chiến dịch đã trở thành một trong những sự kiện môi trường quốc tế thường niên, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người tại hơn 130 quốc gia trên thế giới.
Hưởng ứng Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc phát động, năm nay Bộ TN&MT lựa chọn chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới” nhằm kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn thể cộng đồng cùng hành động, thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường; thực hiện phân loại, thu gom, xử lý, tái chế rác thải, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân. Ảnh: Hoàng Minh |
Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, mọi người dân chúng ta có thể không nhất thiết phải tập trung thành cộng đồng lớn để tổ chức các hoạt động ra quân. Mà chỉ cần hành động có ý nghĩa tích cực, dù đơn giản như trồng thêm cây xanh, giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đồ nhựa một lần. Thực hiện tuyên truyền về các hoạt động ý nghĩa đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường đều có thể làm cho thế giới của chúng ta trở nên sạch hơn.
Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường là thực hiện mục tiêu kép là bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta thêm xanh, sạch, đẹp và phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.
PV: Với tình hình thực tế hiện tại, xin Thứ trưởng cho biết để hưởng ứng sự kiện này, Bộ TN&MT đã có những hướng dẫn, định hướng các cấp, ngành, địa phương như thế nào?
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:
Để hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm nay, Bộ TN&MT đã ban hành Văn bản số 4984/BTNMTTTTNMT ngày 10/9/2020 gửi các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng. Trước diễn biến, ảnh hưởng của dịch COVID-19; căn cứ điều kiện thực tế và chủ đề Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2020, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các nội dung phù hợp với địa phương mình như sau:
Căn cứ trên tình hình hiện tại của địa phương, tổ chức các hoạt động như ra quân vệ sinh môi trường; thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ hệ thống thoát nước….
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đặt biệt năm nay Bộ nhấn mạnh vào việc tập trung xử lý rác thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy, tập trung xử lý cống rãnh, ao hồ tồn đọng rác thải để môi trường trong sạch hơn.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường, các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2020, tập trung vào việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuyên truyền về việc từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự, clip tuyên truyền về bảo vệ môi trường…
Phát động, phát hiện, biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, quản lý, giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Chúng tôi tin tưởng và mong rằng, mọi hành động nhỏ, tích cực, ý nghĩa của mỗi cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng đều có thể làm cho thế giới thay đổi, tốt đẹp hơn. Hành tinh của chúng ta thêm xanh và môi trường sống của chúng ta trở nên an lành.
PV: Một trong những nội dung chính của Chiến dịch năm nay xoay quanh chủ đề giảm thiểu rác thải nhựa. Và mới đây, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị Số 33 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào này mạnh mẽ hơn. Vậy thời gian tới, Bộ TN&MT có các hoạt động cụ thể gì để triển khai Chỉ thị này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:
Để thực hiện Chỉ thị số 33 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, tới đây, Bộ TN&MT sẽ công bố Kế hoạch hành động của ngành TN&MT. Hiện, các Bộ, ngành cũng đề ra lộ trình hành động giảm thiểu chất thải nhựa theo từng lĩnh vực. Đặc biệt, sẽ tập trung vào thực hiện 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) chất thải, coi chất thải là tài nguyên.
Phong trào chống rác thải nhựa trong hơn một năm qua là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, từ việc ban hành các chính sách đến các đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, cũng như thay đổi nhận thức trong cộng đồng và từng người dân.
Tái chế chai nhựa cũ thành chậu hoa bắt mắt trong gia đình và cơ quan |
Về hành động thực tế, chuyển động lớn nhất từ phía người sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhựa là việc 13 doanh nghiệp bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì (PRO Vietnam). Đây là những tập đoàn, công ty lớn về đồ uống, thực phẩm có sử dụng khối lượng lớn túi ni lông và nhựa dùng một lần. Họ đã cùng cam kết hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, trong đó, toàn bộ bao bì của các doanh nghiệp thành viên sẽ được tái chế vào năm 2030.
Ngoài ra, rất nhiều hoạt động giảm thiểu, tái chế, thay thế túi ni lông bằng sản phẩm thân thiện môi trường được triển khai tự phát hoặc ở nhiều quy mô, như mô hình quán cà phê xanh sử dụng ống hút tre, Hội Phụ nữ phát làn đi chợ cho hội viên, khuyến khích sử dụng túi giấy, gói hàng bằng lá chuối…
Những hoạt động khởi động ban đầu như trên đã lan tỏa rộng khắp trên cả nước và đang thay đổi nhận thức trong từng người dân.
Về chính sách, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tới đây, Bộ TN&MT tham mưu chi tiết hóa trong Luật trách nhiệm người sản xuất, người sử dụng đối với sản phẩm thải bỏ, trong đó, có nhựa sử dụng một lần. Luật cũng quy định về nguyên tắc các loại thuế, phí đối với các sản phẩm này trên quan điểm ai sản xuất sản phẩm gây ô nhiễm môi trường sẽ bị đóng thuế cao, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường với việc miễn giảm thuế phí ở mức tối đa. Luật Bảo vệ môi trường 2020 chủ trương thuế, phí bảo vệ môi trường là một công cụ góp phần thay đổi hành vi người sản xuất và tiêu dùng.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Báo TN&MT