Lan tỏa tinh thần “Vì một Việt Nam xanh”

 “Mỗi người dân ngay  từ bây giờ hãy thực hiện việc trồng, bảo vệ cây xanh, coi đây như một món quà, thể hiện cam kết, trách nhiệm của thế hệ hôm nay gửi cho con cháu mai sau” – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kêu gọi.

Màu xanh đồng nghĩa với sự thịnh vượng, là màu của sự sinh sôi và phát triển bền vững. Chính vì vậy, tháng 11/2020, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ – nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh trong 5 năm 2021 – 2025 và đề nghị chính thức chọn thông điệp cho Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh là “Vì một Việt Nam xanh”.

Chứng kiến những tác động nghiêm trọng ngày càng gia tăng do thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan kèm theo những hậu quả hết sức nặng nề, chúng ta càng thấm nhuần ý nghĩa của việc trồng cây, phủ xanh đất trống, phục hồi hệ sinh thái của những vạt rừng trên mọi miền Tổ quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chương trình trồng cây “Vì một Việt Nam xanh” cho các thế hệ hôm nay và mai sau cũng chính là sửa chữa, khắc phục những sai lầm trong ứng xử với tự nhiên trong suốt thời gian dài vừa qua, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn về cuộc sống hài hòa với thiên nhiên trên bản đồ thế giới.

Bà con dân tộc và lực lượng kiểm lâm Tuyên Quang trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh. Ảnh: Khương Trung

Để thực hiện thành công Chương trình này, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng. Do đó các cơ quan báo chí truyền thông đại chúng cần tích cực tuyên truyền, phát hiện và biểu dương những tấm gương, mô hình, cách làm hiệu quả để tạo sức lan tỏa, thắp sáng nỗ lực chung của toàn xã hội.

Ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh, lan tỏa phong trào trồng cây tới các địa phương trên cả nước, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân để tiếp tục có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực trong việc trồng cây, trồng rừng, phục hồi và bảo vệ thiên nhiên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi người trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh, mỗi nhà góp một mảng xanh, mỗi khu dân cư góp một vùng xanh để đất nước ta ngày càng xanh, phát triển nhanh và bền vững, cùng chung tay chăm lo cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn, đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ Trái đất – ngôi nhà chung của nhân loại”.

Hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phục hồi, phát triển hệ thống cây xanh với mục tiêu duy trì bền vững hạ tầng cây xanh, hệ sinh thái tự nhiên, phát triển bền vững đa dạng sinh học đô thị, hệ sinh thái cây xanh tại các khu vực xung yếu. Theo đó, cây xanh sẽ được trồng dựa trên các căn cứ khoa học cụ thể, phù hợp với đặc điểm hệ sinh thái, đa dạng sinh học, thổ nhưỡng, nguồn nước, đáp ứng yêu cầu về chức năng cây xanh; theo quy trình đầy đủ về trồng, chăm sóc, bảo vệ.

Đề án sẽ là tiền đề để phong trào trồng, bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường và thiên nhiên được thực hiện hiệu quả trong toàn xã hội, lan tỏa ý nghĩa đến tới từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân.

Đồng thời, để tạo thuận lợi cho việc xác định địa điểm trồng, theo dõi việc quản lý và chăm sóc cây xanh sau khi được trồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng Hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu bản đồ cây xanh (Tree Map) trên điện thoại thông minh với các thông tin: loài cây, địa điểm, quy trình trồng, đặc tính sinh trưởng phát triển, quy trình chăm sóc, quản lý theo điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương.

Từ Đề án của Bộ Tài nguyên và Môi trường, toàn ngành đã cùng nhau thi đua thực hiện sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ để góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu của Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước…

Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh thông qua hoạt động trồng mới hơn 11.000 cây xanh bao gồm: lim xanh, keo tai tượng, quế tại 3 xã A Vương, Lăng và Chơm, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Trung tâm Truyền thông TN&MT đã phối hợp thực hiện các chương trình trồng cây xanh trên khắp mọi miền đất nước, với gần một triệu cây xanh được trồng mới, góp phần quan trọng trong hành trình đưa màu xanh đến mọi miền Tổ quốc thời gian qua.

Các đơn vị Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước, các khối thi đua từng khu vực, Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường,… cùng nhau ra quân, kết nối và phối hợp với các địa phương từ miền núi, trung du, các tỉnh ven biển… xây dựng kế hoạch trồng cây để bảo vệ, phát triển rừng chắn sóng, chắn gió, bão; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng khác, thực hiện chương trình phủ xanh đất trống, đồi, núi trọc, mở rộng thảm thực vật nhằm chống xói mòn đất, tăng cường khả năng giữ nước của đất, bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy,…

Theo ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các hoạt động thiết thực này làm tăng sự gắn kết giữa đơn vị với địa phương.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước chia sẻ, Chương trình trồng cây bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy là hoạt động thiết thực, góp phần hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 – 2025. Đây cũng là hoạt động thực hiện nội dung bảo vệ tài nguyên nước được quy định tại Điều 29 Luật Tài nguyên nước 2012 về bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy.

“Việc trồng cây chỉ là việc bắt đầu, việc chăm sóc giữ gìn để cho cây phát triển tốt, tỏa bóng sum sê mới là việc làm quan trọng”, ông Nguyễn Đức Toàn – Trưởng Khối thi đua số V đề nghị và rất mong nhận được sự quan tâm của các Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tiếp tục chăm sóc và bảo vệ cây xanh.

Thay mặt cho hơn 10.000 đoàn viên thanh niên của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí Thư đoàn Bộ Nguyễn Quang Huy cam kết, trong thời gian tới, tuổi trẻ đoàn viên, thanh niên ngành Tài nguyên và Môi trường luôn trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh ngay tại cơ quan, trường học, địa bàn mình học tập, công tác và sinh sống.

Theo monre.gov.vn