ĐHĐCĐ PGV: Cổ tức là trách nhiệm với cổ đông, khẩn trương Dự án Long Sơn
“Đây là trách nhiệm của Tổng Công ty với cổ đông. Những năm trước chúng ta kinh doanh có lợi nhuận nhưng vì lỗ tỷ giá nên không chia cổ tức được”.
Đó là chia sẻ của Tổng Giám đốc Lê Văn Danh khi nói về việc chia cổ tức cho cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGENCO 3, HOSE: PGV) tổ chức sáng ngày 24/06/2020.
Tổng Giám đốc Lê Văn Danh trình bày tại Đại hội.
Cổ tức là trách nhiệm với cổ đông
PGV bước vào năm 2020 với nhiều thử thách. Đại dịch Covid-19 có những ảnh hưởng phức tạp, dẫn đến nhu cầu phụ tải thấp. Mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam suy yếu và tỷ giá cũng biến động mạnh. “Chúng tôi hết sức hồi hộp theo dõi những biến động tỷ giá này. Chúng ta làm tất cả và chắt chiu mọi thứ, nhưng nếu tỷ giá tăng lên khoảng vài chục đồng là có thể về 0″ – Tổng Giám đốc Danh nói.
Tình hình thủy văn cũng không “chiều lòng” PGV. Đầu năm 2020 là giai đoạn hạn hán diễn ra khốc liệt, các nhà máy trên khu vực Tây Nguyên đến nay vẫn chưa có nước, Tổng Giám đốc Danh chia sẻ.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, PGV đặt chỉ tiêu doanh thu thuần công ty mẹ là 40.442 tỷ đồng, giảm 2.3% so với năm trước nhưng tổng lợi nhuận trước thuế tăng hơn 71%, dự kiến đạt 1.522 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, công ty mẹ PGV đã đạt sản lượng sản xuất điện 13.351 triệu kWh, hoàn thành gần 41% kế hoạch cả năm. Theo đó, doanh thu 5 tháng đạt 17.836 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, PGV dự kiến sẽ trả cổ tức tỷ lệ 5% cho năm 2020. “Đây là trách nhiệm của Tổng Công ty với cổ đông. Những năm trước chúng ta kinh doanh có lợi nhuận nhưng vì lỗ tỷ giá nên không chia cổ tức được” – ông Danh nói.
Nói thêm về việc chia cổ tức, Chủ tịch PGV – ông Đinh Quốc Lâm cho biết, phía PGV đã trình phương án lên cổ đông chi phối là EVN. “EVN sẽ là người quyết định cuối cùng sẽ chia bằng tiền mặt hay cổ phiếu, vào thời điểm cuối năm 2020, khi cân nhắc tài chính của các bên liên quan”. Ông Lâm chia sẻ rằng về phía Ban lãnh đạo PGV thì mong muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Tổng Giám đốc Danh cho biết đội ngũ Tổng Công ty cũng đang chuẩn bị thủ tục để chuyển cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết tại sàn HOSE. “Dự kiến trong năm 2021 chúng tôi sẽ đủ điều kiện”.
Dự án trọng điểm Long Sơn
Trung tâm Điện lực Long Sơn là dự án đã được PGV nghiên cứu trong 4 năm qua. “Nguồn khí nội địa đang cạn trong khi nhu cầu phụ tải ngày càng cao. Chúng ta cần phải nghiên cứu loại hình nhiêu liệu mới sử dụng khí LNG nhập khẩu.” – Tổng Giám đốc Lê Văn Danh nói về cơ hội của dự án.
Nhiều đối tác đã cùng hợp tác với nhau để thực hiện dự án này, bao gồm 4 đơn vị trong nước là EVNGENCO 3, PECC2, PACIFIC, TTC và 2 đơn vị nước ngoài là Mitsubishi Corporation (MC, Nhật Bản) và General Electric (GE, Mỹ). 6 thành viên hợp tác có đầy đủ kinh nghiệm từ khâu khảo sát, lập kế hoạch, thực hiện các hợp đồng EPC, cung cấp khí cho đến vận hành, bảo trì…
Dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn đến nay đã chính thức được phê duyệt giai đoạn 1 với công suất 1,200-1,500 MW bổ sung vào Quy hoạch điện VII, tiến độ vận hành năm 2025-2026. Các giai đoạn 2-3 của Long Sơn sẽ được trình phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII. “Chúng tôi đang khẩn trương thành lập công ty dự án trong quý 3 này và làm việc với các cơ quan ban ngành liên quan để triển khai đầu tư.” – Tổng Giám đốc PGV cho biết.
Về cơ cấu sở hữu tại công ty dự án, Chủ tịch Đinh Quốc Lâm cho biết các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối. Cơ cấu sở hữu cụ thể sẽ được biết sau khi các bên đã xác định phần đóng góp tài chính.
Đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ký MOU để giao đất thực hiện dự án. “Một dự án như vậy chỉ dính vào đền bù giải tỏa vài chục hộ dân”. Toàn bộ quá trình thủ tục liên quan đến đất đai đang được phía PGV thúc đẩy song song với quá trình thủ tục thực hiện đầu tư dự án.
Theo EVNGENCO3