Điện lực thành phố Hạ Long ứng dụng công nghệ là nền tảng trong công tác chuyển đổi số
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) xác định giai đoạn 2021-2022 là giai đoạn cần phải chuyển đổi số một cách toàn diện, về mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh để sớm trở thành doanh nghiệp số. Chuyển đổi số là một quá trình liên tục và phát triển theo từng giai đoạn bằng cách mở rộng phạm vi hoặc nâng cao, cải tiến hơn ở một cấp độ mới. Điện lực TP Hạ Long là một đơn vị cấp 4, đã và đang có nhiều giải pháp thực hiện ứng dụng công nghệ là nền tảng cho chuyển đổi số đồng bộ và hiệu quả.
Nhằm mang đến cho khách hàng chất lượng phục vụ tốt hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm nhân công, chi phí. Tính đến tháng 6 năm 2021, Điện lực thành phố Hạ Long đã đạt được nhiều thành tựu bước đầu trên lộ trình chuyển đổi số. Điện lực đã không ngừng ứng dụng các công nghệ hiện đại, thực hiện chuyển dịch mô hình theo hướng hiện đại, thông minh và số hóa với mục tiêu có 90% quy trình nghiệp vụ hiện tại được số hóa và liên thông, riêng lĩnh vực văn phòng có 90% quy trình nghiệp vụ sẽ không sử dụng giấy tờ. Tiếp tục xây dựng mô hình văn phòng điện tử Eoffice 3.0 và triển khai đến tất cả CBCNV, được đánh giá cao về tính năng, hiệu quả. Theo đó, Quy trình soạn thảo, phê duyệt, ban hành, tiếp nhận, xử lý, lưu trữ đều đã thực hiện trên môi trường số, từ đó giảm thời gian lưu chuyển văn bản, công văn trong các nội bộ Điện lực và Công ty; đồng thời xóa bỏ các giới hạn về không gian, vị trí địa lý.
Nhân viên phòng Kinh doanh Điện lực xử lý văn bản số hóa trên văn phòng điện tử Eoffice
Thực hiện “Lộ trình phát triển lưới điện thông minh” đã được Chính phủ phê duyệt, Điện lực đã thực hiện triển khai và đạt được kết quả tích cực, tính đến tháng 07-2021, Điện lực đã lắp đặt được hơn 94 ngàn công tơ điện tử trên tổng 115 ngàn công tơ các loại, đạt gần 82% số công tơ trên lưới.
Việc lắp đặt khai thác và sử dụng công tơ điện tử có thể coi là một bước đột phá của nghành Điện. Chắc hẳn khách hàng sẽ không bao giờ nghĩ rằng những chiếc công tơ bình thường trong hộp điện, giờ đây cũng được số hóa. Chỉ với 10 phút lắp đặt và 5 phút kết nối với ứng dụng di động, công tơ điện tử đã mang lại cuộc sống thông minh cho mọi gia đình. Công tơ điện tử có khả năng tích hợp đo ghi từ xa bằng handheld qua sóng radio RF hoặc qua đường dây tải điện nhờ lắp đặt các module rời: Modul Handheld RF, modul PLC, modle GRPS, rất thuận tiện và linh hoạt khi lựa chọn phương thức ghi chỉ số điện năng, đồng thời tiết kiệm đầu tư. Ngoài việc tích hợp chức năng đọc chỉ số công tơ từ xa bằng sóng vô tuyến, màn hình hiển thị bằng LCD và kỹ thuật đo đếm hiện đại, có độ chính xác cao, chống gian lận, đồng thời còn có khả năng cảnh báo ngược pha. Công tơ có thể tính hợp thêm tính năng đọc chỉ số từ xa qua sóng vô tuyến RF bằng máy tính cầm tay HHU (Handheld Unit). Khi lắp đặt modem tại điểm đo, dịch vụ AMR sẽ tự động thu thập chỉ số chốt hàng và truyền số liệu về phần mềm quản lý AMISS, tính cước cho khách hàng sử dụng điện, giảm sai sót so với việc công nhân ghi chỉ số trực tiếp. Các số liệu được xử lý truyền về trung tâm theo chương trình phần mềm quản lý định sẵn gồm, dòng điện, điện áp, tần số, góc lệch pha… với tần suất 30 phút/lần và hiển thị trực quan trên trên biểu đồ. Những số liệu này sẽ giúp cho khách hàng có thể quản lý và giám sát chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp điện. Những sự cố bất thường xảy ra trên công tơ điện, cũng như hệ thống điện đều được thống kê, cảnh báo và chuyển đến Bảng thống kê cảnh báo sự kiện công tơ trong ngày.
Công tơ điện tử có độ chính xác cao hơn, công suất tiêu thụ của công tơ thấp dẫn đến tiết kiệm điện năng, tích hợp các công nghệ truyền thông hỗ trợ việc đọc chỉ số công tơ tự động từ xa. Việc thực hiện đo xa giúp giảm nhân công ghi chỉ số điện, giảm nguy cơ tai nạn lao động trong ghi chỉ số và quản lý công tơ, đồng thời việc ghi chỉ số được chính xác, góp phần tăng năng suất lao động. Số liệu công tơ đo đếm thu thập từ xa cũng kịp thời phục vụ việc tính hóa đơn tiền điện, giám sát và giảm tổn thất điện năng, giám sát chất lượng điện năng, tính toán và cải thiện các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, giám sát tình trạng vận hành của trạm biến áp và đường dây giúp nâng cao độ an toàn lưới điện.
Công tơ điện tử sử dụng công nghệ IoT giúp khách hàng xem được tình trạng sử dụng điện của nhà mình qua màn hình LCD trên thiết bị hoặc qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Từ đó, khách hàng có thể kiểm soát điện năng tiêu thụ một cách chính xác, giảm thiểu lãng phí, phù hợp với công nghệ hiện nay. Công tơ điện tử sẽ theo dõi toàn bộ thông tin về số điện và tiền điện tiêu thụ theo thời gian thực. Dù đang làm gì, ở đâu và bất kỳ lúc nào, khách hàng cũng xem được ngay lúc này nhà mình đã dùng hết bao nhiêu số điện, tiêu bao nhiêu tiền điện qua ứng dụng di động đã được kết nối với thiết bị. Đồng thời áp dụng công tơ điện tử còn cải thiện khâu minh bạch số liệu và giao tiếp với khách hàng và thông qua theo dõi dữ liệu trực tuyến, ngành Điện sẽ sớm phát hiện để xử lý kịp thời sự cố nhanh nhất. Chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng vì thế cũng được nâng cao và ổn định.
Công nhân ghi chỉ số công tơ có giám sát bằng camera
Hiện nay, Điện lực thành phố Hạ Long quản lý hơn 110 nghìn hợp đồng mua bán điện sinh hoạt nếu thực hiện scan và lưu trữ sẽ tốn rất nhiều chi phí, thời gian triển khai kéo dài, vì vậy để đảm bảo thực hiện hợp đồng điện tử đối với toàn bộ khách hàng mua điện. Ngoài việc thực hiện ký hợp đồng điện tử với 100% các khách hàng phát triển mới, Điện lực thành phố Hạ Long triển khai số hóa toàn bộ hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, áp dụng chương trình chuyển đổi số để thực hiện lấy thông tin từ CMIS và ký lại Hợp đồng số qua việc xác thực bằng mã OTP trên điện thoại. Công tác số hóa hợp đồng đã thực hiện chuyển đổi số hiện tại của Điện lực đã được hơn 97 ngàn hợp đồng, đạt 88% tổng số hợp đồng phải chuyển đổi số và đặt mục tiêu đạt 100% toàn bộ hợp đồng được số hoá trong thời gian tới. Sau khi chuyển đổi số các Hợp đồng, toàn bộ việc khai thác, kiểm tra, quản lý…sẽ sử dụng Hợp đồng số thay vì Hợp đồng giấy như hiện nay. Bộ phận thực thi sẽ sử dụng máy tính bảng và liên hệ với khách hàng để thực hiện ký biên bản chấm dứt Hợp đồng cũ và ký Hợp đồng mua bán điện sinh hoạt mới. Công tác chuẩn hóa thông tin khách hàng tại các trạm biến áp chuyên dùng và công cộng như dán tem, đánh tên lộ, cột, đường dây khách hàng đạt 100%. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ điện theo phương thức điện tử đạt 100%. Tiếp nhận cấp điện qua Cổng DVCQG đạt 100%.
Công nhân ghi chỉ số công tơ bằng thiết bị cầm tay HHU qua sóng Radio
Trong công tác quản lý vận hành lưới điện, Điện lực tổ chức sử dụng vận hành hệ thống đo xa quản lý các trạm biến áp công cộng và chuyên dùng. Cùng với các phần mềm Xây dựng bản đồ quản lý lưới điện trên nền GIS; Phần mềm quản lý Máy biến áp; Phần mềm Quản lý an toàn ECP; Kiểm tra đường dây bằng thiết bị bay không người lái Flycam.. các phòng, đội, tổ đã phối hợp thực hiện tốt, từng bước đạt nhiều hiệu quả rõ rệt.
Các công nhân vận hành Điện lực thành phố Hạ Long đang thực hiện kiểm tra đường dây bằng thiết bị bay không người lái Flycam
Các cuộc họp, chỉ đạo sản xuất được tổ chức dưới hình thức trực tuyến qua các điểm cầu truyền hình trực tiếp tới các phòng, đội, tổ. Thông qua nền tảng kết nối trực tuyến, Điện lực đẩy mạnh tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi xử lý công việc trên môi trường số qua các ứng dụng trực tuyến như Zalo, Facebook…nhằm tiết kiệm thời gian, kịp thời nhanh chóng và giảm chi phí cho đơn vị.
Điện lực thành phố Hạ Long tổ chức họp chỉ đạo trực tuyến đến các đội, tổ sản xuất
Đây là bước tiến quan trọng, đánh dấu hoàn thiện việc cung cấp 100% dịch vụ điện năng theo phương thức điện tử trong tất cả các nghiệp vụ. Sự “ảo hóa” giao tiếp giữa ngành Điện và khách hàng đã tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng, cũng như đẩy mạnh sự công khai, minh bạch trong các dịch vụ điện. Mặc dù do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid – 19 trên địa bàn tỉnh, Điện lực thành phố Hạ Long vẫn đảm bảo thực hiện tốt “Nhiệm vụ kép” vừa hoàn thành sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo tốt phòng chống dịch, trong đó đã nỗ lực và cố gắng trong việc thực hiện các nội dung, mục tiêu trong kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022 của Công ty và Tổng Công ty.
Quốc Tùng – ĐLTPHL