EVN mục tiêu đạt chuyển đổi số toàn diện năm 2025

Tiên phong và tăng tốc trong lĩnh vực chuyển đổi số đã và đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tập trung triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và các đối tác.

Tạo đà cho chuyển đổi số toàn diện

Với việc thực hiện chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, năm 2021 EVN đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động.  Đánh giá về công tác chuyển đổi số  được ông Trần Đình Nhân – TGĐ EVN nhấn mạnh: Điểm nổi bật quan trọng nhất là sự thay đổi về nhận thức của các cấp quản lý và CBCNV, từ chỗ còn hiểu khác nhau đến việc có nhận thức chung, cùng hướng về mục tiêu chung trong chuyển đổi số.

Năm 2021, EVN đã triển khai phần mềm Digital Office đến đơn vị cấp 4; ban hành 27.000 mã định danh điện tử để các đơn vị gửi/nhận văn bản trên trục liên thông văn bản Quốc gia; đưa vào sử dụng hệ thống báo cáo điều hành (BI); hoàn thành xây dựng ứng dụng phục vụ người lao động (SmartEVN); tổ chức hàng nghìn cuộc họp trực tuyến, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

evn-ra-mat-he-sinh-thai-so-evnconnect-buoc-tien-vuot-bac-tren-lo-trinh-chuyen-doi-so.jpg
EVN ra mắt hệ sinh thái số EVNCONNECT – bước tiến vượt bậc trên lộ trình chuyển đổi số

Trong hoạt động sản xuất, các đơn vị cũng đã ứng dụng QR code để số hóa và thiết lập cơ sở dữ liệu tài sản, thiết bị, đây là cơ sở để triển khai các dịch vụ cho kiểm tra, giám sát và bảo trì bảo dưỡng thiết bị. Nhiều đơn vị đã triển khai thử nghiệm ứng công nghệ AI trong xử lý và nhận diện hình ảnh để giám sát tuyến đường dây, các vị trí cột trọng yếu hay sạt lở; sử dụng UAV trong kiểm tra định kỳ và hành lang lưới điện, trạm biến áp không người trực; ứng dụng hiện trường (Digital Workforce) cho khối phân phối và truyền tải phục vụ công nhân trên hiện trường, rút ngắn thời gian xử lý sự cố, giao tiếp trực tuyến tại hiện trường với trung tâm điều hành…

Hạ tầng viễn thông và CNTT đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số cũng được tập trung triển khai với 5 nhiệm vụ trọng tâm: thiết lập hệ thống điện toán đám mây (EVN’s cloud); triển khai trục tích hợp và quản trị dữ liệu dùng chung ESB/MDM; xây dựng kiến trúc dữ liệu và cơ sở dữ liệu dùng chung; lựa chọn và xây dựng kiến trúc nền tảng ứng dụng (Platform); xây dựng trung tâm an ninh mạng (SOC)…

Chuyển đổi số ở EVN thực sự mang lại lợi ích cho khách hàng. Từ việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điện trên các nền tảng số, năm 2021, tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện và các hồ sơ theo phương thức điện tử của EVN đạt 97,89%, tăng 20,32% so với năm 2020. Các tổng công ty điện lực triển khai các phương thức thanh toán tiền điện mới mang lại thuận lợi cho khách hàng như QRCode, Mobile Money; nâng cấp website và App CSKH, ứng dụng AI trong công tác chăm sóc khách hàng… Trong đó, việc kết nối thanh toán qua ứng dụng Mobile Money tăng thêm tiện ích và thuận lợi cho các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt các khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng vẫn có thể thanh toán tiền điện theo hình thức không sử dụng tiền mặt.

Đặc biệt, vừa qua, EVN đã ra mắt Hệ sinh thái số EVNCONNECT, trong đó kết nối, hội nhập với các nền tảng số của quốc gia, các nền tảng số của các ngành… Điển hình là việc các dịch vụ điện lực kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ mang lại sự thuận lợi, đơn giản cho khách hàng, khi các loại hồ sơ, giấy tờ cá nhân kèm theo Giấy đề nghị mua điện (như giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu) được thay thế bằng các thông tin về số định danh cá nhân của công dân, chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, nơi ở hiện tại, thông tin chủ hộ, số sổ hộ khẩu… trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. EVN cũng tiên phong trong kết nối hóa đơn điện tử (E-Invoice) và truyền nhận dữ liệu với Hệ thống hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế.

EVN cũng tiên phong trong kết nối hóa đơn điện tử (E-Invoice) và truyền nhận dữ liệu với Hệ thống hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế. Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng, với gần 30 triệu khách hàng, từ doanh nghiệp đến hộ gia đình và cá nhân, EVN đã có những bước tiến ngoạn mục trong ứng dụng CNTT. Hiện nay, EVN đã chuyển sang hóa đơn điện tử thành công và là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây là một hình mẫu đáng được học tập, đáng được biểu dương.

Hoàn thành chuyển đổi số toàn diện vào năm 2025

Hiện nay EVN đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.

EVN cũng nhận định những khó khăn phải đối mặt đó là các công nghệ chuyển đổi số thay đổi rất nhanh chóng nên EVN và các đơn vị rất khó khăn trong lựa chọn công nghệ phù hợp, tiên tiến nhất; về nhân lực, chuyển đổi số đòi hỏi cách làm mới, đòi hỏi năng lực của người lao động phải được nâng cao và thích ứng. EVN là doanh nghiệp nhà nước, không thể nhanh chóng có một cơ chế tiền lương hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao phù hợp với hoạt động chuyển đổi số.

evn-nhan-giai-thuong-doanh-nghiep-chuyen-doi-so-xuat-sac-viet-nam-nam-2021.jpg
EVN nhận giải thưởng doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam năm 2021

Một thách thức nữa là vấn đề an ninh mạng. Khi chuyển đổi số được triển khai rộng khắp, hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu của EVN ngày càng lớn, lượng người truy cập, người sử dụng càng nhiều, thì nguy cơ mất an toàn thông tin rất lớn, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến cả an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh những khó khăn thì EVN cũng có những thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi số. Cùng với những thành quả của chuyển đổi số năm 2021 là nền tảng, cơ khí Điện lực Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ và độ chính xác cao như: các máy biến áp 220 kV công suất đến 250 MVA, máy biến áp 3 pha 500 kV, công suất 467 MVA, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500 kV.
Công nghệ tự động hóa điều khiển, kỹ thuật số cũng được EVN ứng dụng rộng rãi trong xây dựng và vận hành hệ thống điện, thị trường điện. Đến cuối năm 2020, EVN đã đưa vào vận hành 63 Trung tâm Điều khiển và thực hiện điều khiển xa không cần người trực 707 trạm biến áp (TBA) từ 110 – 220 kV, chiếm gần 83% tổng số TBA có kế hoạch chuyển đổi.

Lĩnh vực truyền tải và phân phối được đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng, như: Ứng dụng thiết bị điện tử công suất (SVC); áp dụng công nghệ chẩn đoán trạng thái thiết bị như: Kiểm tra phóng điện cục bộ máy biến áp 220 – 500 kV; giám sát dầu online tại TBA 500 kV; sửa chữa lưới điện không cần cắt điện…

Ở EVN, công nghệ thông tin cũng là công cụ tiện lợi, hữu ích trong việc tăng tính hiệu quả, minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu. Đến nay EVN luôn luôn là đơn vị đứng đầu toàn quốc trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng. Đến hết tháng 11/2020, Tập đoàn thực hiện thành công 12.376 gói thầu qua mạng trên tổng số 18.738 gói thầu thực hiện trong năm, chiếm tỷ lệ 66,05% với tổng giá trị trúng thầu khoảng 36.012 tỷ đồng.

Theo ông Trần Đình Nhân, giai đoạn 2021-2025, Hội đồng thành viên EVN ban hành kế hoạch tổng thể chuyển đổi số của Tập đoàn, trong đó đề ra tất cả các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Giải pháp quan trọng hàng đầu là lãnh đạo các cấp trong EVN phải cam kết chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa và việc thực thi phải quyết liệt hơn nữa. Bởi lẽ, mọi việc đều xuất phát từ ý chí của lãnh đạo, người đứng đầu phải vào cuộc cả hệ thống mới “chạy” theo.

“Chuyển đổi số là quá trình có thể nói là có bắt đầu mà không có kết thúc. Do vậy, EVN không đặt vấn đề “cán đích”. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, năm 2022, về cơ bản các hoạt động chính của EVN sẽ được chuyển đổi số và năm 2025, về cơ bản EVN sẽ hoàn thành chuyển đổi số một cách toàn diện”, ông Trần Đình Nhân – Tổng Giám đốc EVN khẳng định”.

Minh Hiền