EVNGENCO3 cam kết đảm bảo cung cấp đủ điện trong năm 2020 và 2021

Dù gặp không ít khó khăn nhưng EVNGENCO3 quản lý cam kết vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện cho mùa khô năm 2020 và cho năm 2021.

EVNGENCO 3 cam kết đủ điện đến năm 2021

Ông Lê Văn Danh – Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) – đã cam kết như vậy tại buổi làm việc về tình hình thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2020 và năm 2021, chuẩn bị vận hành nhà máy điện (NMĐ) Phú Mỹ sử dụng nhiên liệu khí LNG với đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực mới đây.

Ông Lê Văn Danh cho biết, EVNGENCO3 hiện quản lý 11 NMĐ, tổng công suất lắp đặt 5.874 MW. Thực hiện chỉ đạo của EVN, trong 5 tháng đầu năm 2020, hệ số khả dụng nhà máy thủy điện đạt 93,81%, nhiệt điện than 93,37%, nhiệt điện khí 98,21%. Sản lượng điện ước đạt 13,369 tỷ kWh, tương ứng 40,99% kế hoạch năm.

Nhờ chuẩn bị và triển khai những kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, ông Danh cam kết, EVNGENCO3 sẽ đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô năm 2020 và cho năm 2021. Kế hoạch cung ứng than cho các NMĐ của EVNGENCO3 trong năm 2020 và các năm tiếp theo đã được Tổng công ty chuẩn bị sẵn sàng.

evngenco3 cam ket dam bao cung cap du dien trong nam 2020 va 2021
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cùng đoàn công tác làm việc với EVNGENCO3 về tình hình cung ứng điện năm 2020 và 2021

Về cung cấp khí cho NMĐ Phú Mỹ, Bà Rịa, ông Danh cho biết, khí cấp bình quân cho sản xuất điện khu vực Đông Nam bộ trong 5 tháng đầu năm 2020 bình quân khoảng 16,01 triệu m3/ngày. Để bù đắp cho lượng khí thiên nhiên thiếu hụt trong thời gian tới, EVNGENCO3 hiện đang triển khai mua khí hóa lỏng LNG để cấp bổ sung. Về cung ứng nhiên liệu cho các máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Mông Dương 1 và Ninh Bình, EVNGENCO3 đang ráo riết thực hiện hợp đồng mua bán than dài hạn với TKV và Tổng công ty Đông Bắc.

Cụ thể, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 hiện đã ký kết hợp đồng mua bán than dài hạn với TKV và Tổng công ty Đông Bắc, tổng khối lượng cam kết là 2,0 triệu tấn/năm (đạt 50% nhu cầu sản xuất điện), với khối lượng còn lại EVNGENCO3 sẽ chủ động mua than nhập khẩu và than trong nước để tăng tính chủ động. Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 đã ký kết hợp đồng mua bán than dài hạn với TKV với khối lượng 3 triệu tấn/năm, khối lượng than còn lại khoảng 500.000 tấn ÷ 800.000 tấn sẽ triển khai hợp đồng với Tổng công ty Đông Bắc. Riêng Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình đã ký hợp đồng mua bán than dài hạn với Tổng công ty Đông Bắc và TKV, tổng khối lượng là 300.000 tấn/năm.

Để bổ sung và chủ động trong nguồn than cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 trong năm nay, EVNGENCO3 đã triển khai phương án và tiếp nhận than của Tổng công ty Đông Bắc qua Cảng đá vôi. Hiện tại đã tiếp nhận 92.000 tấn và dự kiến tiếp nhận khoảng 500.000 tấn trong năm 2020.

NMĐ Phú Mỹ 2.1 MR sử dụng khí LNG để phát điện

Về khâu chuẩn bị vận hành NMĐ Phú Mỹ sử dụng nhiên liệu khí LNG, ông Đinh Quốc Lâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị EVNGENCO3 – cho biết, Tổng công ty hiện đã triển khai phát hành hồ sơ mời thầu cho gói thầu “Mua bổ sung khí nhập khẩu cho vận hành sản xuất điện của các NMĐ Phú Mỹ”. Trong đó, khối lượng khí cung cấp hàng năm: 0,4 triệu tấn/năm (~544 triệu m3/năm, tương ứng Tmax = 6.500h và lượng khí bình quân dự kiến là 2 triệu m3/ngày), dự phòng khối lượng ± 20% , thời hạn hợp đồng là 5 năm.

Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu từ 8/4 đến 8/7/2020 và tháng 10/2020 là thời gian dự kiến đánh giá hồ sơ dự thầu, hoàn thiện ký kết hợp đồng mua bán khí. Thời gian giao nhận chuyến hàng đầu tiên, dự kiến trong quý II/2021 nhưng không vượt quá quý III/2021.

Hiện tại, công tác đấu nối và hiệu chỉnh tổ máy, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã phối hợp với Công ty Dịch vụ sửa chữa các Nhà máy điện EVNGENCO 3 (EPS) khảo sát và lập phương án đấu nối nhận khí LNG cho NMĐ Phú Mỹ 2.1MR. Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã làm việc với Nhà thầu Siemens để chuẩn bị cho công tác hiệu chỉnh thông số của các tổ máy GT24/GT25 theo đặc tính khí LNG sau tái hóa khí.

evngenco3 cam ket dam bao cung cap du dien trong nam 2020 va 2021
Ông Đinh Quốc Lâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị EVNGENCO3 cam kết  các NMĐ  của Tổng công ty sẽ cung cấp đủ điện từ nay đến hết năm và cả trong năm 2021

Ông Lâm cho rằng, NMĐ Phú Mỹ 2.1MR sử dụng khí LNG để phát điện sẽ bù đắp được tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn khí thiên nhiên trong nước trong các năm tới, mở ra khả năng có nhiên liệu khí để vận hành Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa (390 MW) hiện chủ yếu ngừng dự phòng. Đây là phương án góp phần quan trọng đáp ứng phụ tải khu vực miền Nam và đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn về cơ chế tham gia thị trường điện, thanh toán và vận hành cho NMĐ sử dụng khí LNG, trong đó đặc thù của hợp đồng mua bán khí LNG thì bên mua phải đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với khối lượng cam kết hàng năm.

Để tháo gỡ điểm nghẽn đối với nhiên liệu khí và vận hành NMĐ từ nguồn nhiên liệu khí LNG, ông Lâm kiến nghị, Bộ Công Thương chỉ đạo PVN/PVGas đảm bảo việc cung cấp khí ổn định, đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành mỏ khí Sao Vàng – Đại Nguyệt. Cho phép chuyển ngang giá khí LNG và nghĩa vụ tiêu thụ khối lượng khí LNG theo hợp đồng mua bán khí vào hợp đồng mua bán điện.

Làm điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện

Để tận dụng hạ tầng, tăng cường nguồn điện, EVNGENCO3 vừa trình Bộ Công Thương về thí điểm phát triển tiên phong (Pilot) Dự án điện Mặt trời nổi trên hồ thủy điện kết hợp với chế độ vận hành của các nhà máy thủy điện Buôn Kuốp và Srêpốk 3. Trong đó, Dự án Điện mặt trời nổi trên hồ Thủy điện Buôn Kuốp công suất khoảng 61,6 MWp: Dự án Điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện Srêpốk 3 có công suất khoảng 61,6 MWp.

Ông Lâm phân tích, do EVNGENCO 3 đang quản lý vận hành các NMTĐ Buôn Kuốp và Srêpốk 3 nên sẽ tối ưu chi phí đầu tư xây dựng do tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có như đường xá, trạm điện, đường dây truyền tải…Với giá bán điện đề xuất 7,6 Uscents/kWh cho dự án điện mặt trời Buôn Kuốp và Srêpốk 3 kết hợp vận hành với nhà máy thủy điện thì dự án sẽ đạt hiệu quả về tài chính, đây là giá điện khá cạnh tranh. Dự án sẽ dễ dàng góp phần trong việc điều tiết công suất phát trong trường hợp sự cố, quá tải cục bộ đường dây và bù sản lượng điện thiếu hụt vào các tháng mùa khô (thiếu nước), tăng công suất phát lên hệ thống điện.

evngenco3 cam ket dam bao cung cap du dien trong nam 2020 va 2021
NMĐ Phú Mỹ 4 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Ông Nguyễn Thái Sơn – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực – cho biết, trong chuyến công tác tại các NMĐ, các dự án điện, làm việc với chính quyền các địa phương ở một số tỉnh miền Nam, các khó khăn và vướng mắc của chủ đầu tư, nhà thầu đã được nêu ra; ngược lại những cơ chế, chính sách về ngành điện cũng đã được chuyển tải đến doanh nghiệp, địa phương một cách cụ thể nhất. Mục tiêu là giải toả nhanh chóng những vướng mắc, khó khăn để các nhà máy, dự án điện hoạt động hiệu quả, các dự án mới sớm vận hành.

Đối với EVNGENCO3, ông Sơn đánh giá, đơn vị này đã hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh đồng thời có nhiều sang kiến mới trong hoạt động. Chẳng hạn như sáng kiến chuyển đổi đưa LNG vận hành nhà máy, lập dự án điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện là những sáng kiến, góp phần giảm áp lực về nguồn điện đang thiết hụt, chủ động đề xuất thực hiện đấu thầu cung ứng LNG bù thiếu hụt khí trong vận hành nhà máy trong thời gian sắp tới. Để giữ năng lực các nhà máy thủy điện, ông Sơn đề nghị EVN nên quan tâm nghiên cứu giải pháp nạo vét bồi lắng lòng hồ (đối với các NMTĐ đã vào vận hành 20,30 năm nay), tăng dung tích hồ chứa, kéo dài thời gian sử dụng hiệu quả nhà máy thủy điện.

Phó Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, từ nay đến cuối năm, dù nền kinh tế phục hồi như thế nào thì ngành điện cũng phải đảm bảo cung cấp đủ điện. Thứ trưởng chỉ đạo, EVN và EVNGENCO 3 cần phát huy tinh thần làm việc cao nhất, đặc biệt là vấn đề cung ứng than cho các NMĐ. Theo đó cần chỉ đạo gắt gao trong việc thực hiện hợp đồng mua than dài hạn vớí TKV, các bên cần có trách nhiệm và chia sẻ lẫn nhau về các hợp đồng dài hạn.

Theo Thứ trưởng, nhập khẩu LNG để vận hành các NMĐ, về bản chất khi cũng như than, nhà máy không đủ nhiên liệu thì dùng khí và Bộ Công Thương nhất trí với phương án này. Tuy nhiên, việc đấu thầu và mua được nhiên liệu với giá phù hợp là cần phải tính toán kỹ. “Chúng ta hiện đang đối mặt với tình hình thiếu điện nhưng không thể để thiếu điện trong năm nay và ít nhất là trong năm tới. Sự phối kết hợp giữa các tập đoàn, doanh nghiệp để chỉa sẽ khó khăn và giải quyết những mâu thuẫn là cần thiết; những vấn đề khó khăn các đơn vị trực tiếp báo cáo lên Bộ để cùng tháo gỡ”, Thứ trưởng chỉ đạo.

Theo EVNGENCO3