Giới thiệu
Bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững
Phát triển bền vững là quan điểm cơ bản của Đảng đối với mọi sự phát triển ở nước ta, trong đó có làng nghề. Các làng nghề cần thực hiện nhiệm vụ BVMT theo hướng phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Môi trường còn nhiều bức xúc
Cùng với những thay đổi tích cực, các làng nghề nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức hàng đầu là duy trì bản sắc làng nghề, hội nhập mà không đánh mất bản sắc riêng; mặt khác, phải BVMT làng nghề theo hướng phát triển bền vững. Hiện nay, các chất thải phát sinh từ nhiều làng nghề đang gây ONMT nghiêm trọng, tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân và ngày càng trở thành vấn đề bức xúc.
Ô nhiễm môi trường làng nghề có đặc điểm là ô nhiễm phân tán trong phạm vi một khu vực thôn, làng, xã… Do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen với khu sinh hoạt nên đây là loại hình ô nhiễm khó quy hoạch và kiểm soát. ONMT làng nghề còn mang đậm nét của hoạt động sản xuất theo ngành nghề và loại hình sản phẩm, tác động trực tiếp tới môi trường nước, khí, đất trong khu vực. Tại khu vực sản xuất, ONMT thường khá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Chất lượng môi trường tại hầu hết khu vực sản xuất trong các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn. Các nguy cơ mà người lao động tiếp xúc khá cao: 95% số người lao động tiếp xúc với bụi, 85% tiếp xúc với nhiệt, 59,6% tiếp xúc với hóa chất. Kết quả khảo sát 52 làng nghề điển hình trong cả nước vừa qua cho thấy, trong số đó có 46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ.
Các kết quả quan trắc trong thời gian gần đây cho thấy mức độ ô nhiễm của làng nghề không giảm mà còn có xu hướng gia tăng, nhất là, ô nhiễm bụi tại các làng nghề gốm, sứ, vật liệu xây dựng, khai thác đá, đồ gỗ mỹ nghệ và các làng nghề tái chế. Đặc trưng nổi bật là phát sinh một lượng lớn bụi chứa kim loại nặng và bụi vật liệu độc hại. Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, nước thải có độ ô nhiễm hữu cơ cao. Ô nhiễm chất vô cơ tại các làng nghề dệt nhuộm, tái chế giấy tạo ra nước thải có hàm lượng cặn lớn; làng nghề tái chế kim loại có hàm lượng kim loại nặng độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần. Hầu hết chất thải rắn ở các làng nghề vẫn chưa được thu gom xử lý mà xả thẳng vào môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí và các nguồn nước mặt, nước dưới đất tại các địa phương.
Công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập, hạn chế. Hệ thống văn bản QPPL BVMT làng nghề còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể hóa; chức năng, nhiệm vụ về BVMT làng nghề của các bộ, ngành và địa phương chưa rõ ràng và còn chồng chéo; tuy đã có quy hoạch, nhưng các cụm, khu công nghiệp tập trung của làng nghề vẫn chưa có hệ thống quản lý môi trường chung; nhân lực, tài chính cho BVMT làng nghề còn thiếu; công tác xã hội hóa BVMT làng nghề chưa được triển khai cụ thể, chưa huy động được nguồn lực xã hội cho BVMT làng nghề.
Phát triển bền vững môi trường làng nghề
Để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững môi trường làng nghề, chúng ta cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản như: Chú trọng các chính sách phát triển bền vững làng nghề. Sản xuất kinh doanh phải chú ý cải thiện và BVMT, không hy sinh lợi ích môi trường cho lợi ích kinh tế trước mắt. Nhanh chóng xây dựng, ban hành và áp dụng văn bản QPPL về BVMT làng nghề, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành, lĩnh vực hoạt động làng nghề. Các làng nghề tiến hành xây dựng các quy định về vệ sinh, môi trường dưới dạng các quy định, hương ước, cam kết BVMT của chính địa phương mình. Tăng cường hoạt động giám sát môi trường làng nghề và thực hiện kiểm kê nguồn thải; áp dụng công cụ kinh tế như phí BVMT đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn. Xây dựng tiêu chí “Làng nghề xanh” nhằm xếp loại cho các làng nghề BVMT theo hướng phát triển bền vững.
Quy hoạch không gian làng nghề gắn với BVMT. Di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư. Quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ cần tránh xa khu dân cư và quy hoạch đồng bộ mặt bằng sản xuất, kết cấu hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn để xử lý tập trung. Quy hoạch khu vực sản xuất tùy thuộc vào đặc thù của các loại hình làng nghề như sản xuất gốm sứ, dệt nhuộm, tái chế giấy… Quy hoạch phân tán, sản xuất ngay tại hộ gia đình kết hợp điều kiện sản xuất với cải thiện vệ sinh môi trường mà không phải di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới, mở rộng đường, xây nhà cao tầng, lưu giữ khung cảnh sản xuất, tính cổ truyền nhân văn của làng để có thể kết hợp với du lịch.
Bảo tồn và phát huy truyền thống của các làng nghề dân tộc là điều rất cần thiết hiện nay
Tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý môi trường tại các làng nghề. Những cơ sở mở rộng sản xuất phải thực hiện cam kết BVMT và đầu tư theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường. Tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tại làng nghề cần bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành; công nghệ đơn giản, dễ vận hành, chuyển giao; vốn đầu tư, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề; ưu tiên công nghệ có khả năng tận thu, tái sử dụng chất thải. Khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn để vừa giảm lượng phát thải, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với các chủ cơ sở áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến tạo ít chất thải. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các dự án nghiên cứu về áp dụng sản xuất sạch hơn cụ thể cho từng loại hình làng nghề để có mô hình trình diễn nhân rộng.
Hiện nay, nước ta đang có 13 làng nghề bị đưa vào danh sách các cở sở gây ONMT cần phải xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới, các địa phương và các làng nghề khẩn trương xử lý môi trường để được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để; mặt khác, vẫn cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để đưa vào “danh sách đen” làng nghề tiếp tục gây ONMT nghiêm trọng. Yêu cầu các làng nghề triển khai áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm; xây dựng các lộ trình xử lý ô nhiễm và triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được phê duyệt. Một số làng nghề gây ONMT không chỉ trong phạm vi làng xã mà lan rộng ra cả một khu vực. Vì vậy, việc xử lý ô nhiễm không chỉ giới hạn trong phạm vi làng nghề mà cần phải xử lý cả khu vực đã bị ô nhiễm.
Đa dạng hóa các nguồn đầu tư và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong BVMT làng nghề. Sự phát triển của làng nghề phải bảo đảm tính bền vững, hài hòa các mặt KT-XH và BVMT. Do đó, một số loại hình làng nghề sẽ phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất, một số khác cần được hạn chế, không khuyến khích phát triển và một số hoạt động, công nghệ cần được nghiêm cấm triệt để. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các làng nghề là vấn đề có tính then chốt. Các hoạt động đào tạo, truyền nghề đã có truyền thống từ xưa với những hình thức khá đa dạng. Chúng ta cần có những khảo sát, đánh giá nhu cầu cần đào tạo cho người lao động các làng nghề; đánh giá đội ngũ nghệ nhân, những người đang truyền nghề tại các làng nghề. Có kế hoạch cụ thể phối hợp giữa các làng nghề và các cơ sở dạy nghề có nghề tương đương để huy động đội ngũ giáo viên dạy nghề tham gia các khóa đào tạo nghề và tổ chức cho học viên thực hành nghề phù hợp. Chú trọng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
PHẠM THANH HIỆP
Vụ trưởng, Tạp chí Cộng sản