Ký kết hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa
Sáng ngày 19/2, tại Hà Nội, lần đầu tiên, một thỏa thuận thiết lập Hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được ký kết giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam, Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.
Đại diện Bộ TN&MT và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam, Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam cùng ký kết Biên bản ghi nhớ |
Đại diện cho Bộ TN&MT, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, việc ký kết Biên bản ghi nhớ thể hiện sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp trong việc biến thách thức thành cơ hội giúp giải quyết các vấn đề chung của xã hội.
Đối mặt với ô nhiễm nhựa – cuộc khủng hoảng toàn cầu
Trong bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nêu thực trạng: Ô nhiễm nhựa hiện đang là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và vấn đề rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt. Cứ mỗi phút có 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được bán ra trên khắp thế giới và có tới 5 nghìn tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng trên toàn thế giới mỗi năm. Nhưng một nửa tổng số nhựa được thiết kế để sử dụng một lần và sau đó vứt đi. Trong tổng số nhựa từng được sản xuất, chỉ 9% chất thải nhựa được tái chế, khoảng 12% bị thiêu hủy, trong khi phần còn lại – 79% – đã tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên.
“Ô nhiễm nhựa gây thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái. Rác thải nhựa bóp nghẹt dòng chảy của các dòng sông, phá hủy hoặc làm suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là các vùng biển”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu khai mạc |
Riêng tại Việt Nam, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, dù tỷ lệ sử dụng nhựa bình quân trên đầu người không cao như nhiều nước phát triển trên thế giới, nhưng với quy mô dân số gần 100 triệu người cùng với hệ thống hạ tầng quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện thì vấn đề rác thải nhựa là thách thức rất lớn mà những quốc gia đang phát triển như Việt Nam đang phải đối mặt.
Theo Thứ trưởng, nhận thức được vai trò và sứ mệnh trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu, Việt Nam – một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc – đã cam kết hành động giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Từ tháng 12 năm 2017, Việt Nam đã chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường của Liên hợp quốc về xử lý rác thải nhựa và rác thải biển. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề nhựa trên biển. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa.
Cho rằng giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay không phải chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng, Thứ trưởng tin tưởng, doanh nghiệp không chỉ là một phần của vấn đề mà hoàn toàn có thể trở thành một phần quan trọng then chốt của giải pháp.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và đại diện 3 doanh nghiệp ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác |
Khơi dậy sức mạnh từ hợp tác công – tư
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, việc ký kết Biên bản ghi nhớ chính là sự chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm về thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam giữa Bộ TN&MT với các doanh nghiệp có trách nhiệm thông qua hợp tác xây dựng mô hình hợp tác công tư (PPP) để thúc đẩy phân loại, tái chế chất thải nói chung và rác thải nhựa một cách hiệu quả hơn.
“Sự kiện này cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ, quyết tâm của Bộ TN&MT trong giải quyết vấn đề chất thải rắn và rác thải nhựa, chúng tôi luôn lắng nghe, cầu thị và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để cùng nhau bảo vệ môi trường vì mục tiêu pháp triển bền vững đất nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Các đại biểu cùng tham dự tọa đàm |
Trước lễ ký kết, trong buổi tọa đàm, ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam cho hay: “Chúng tôi rất tự hào là thành viên sáng lập mô hình Hợp tác công tư này để triển khai kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam. Là công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp, Dow đang hợp tác với các đối tác để phát minh các sản phẩm mới, công nghệ tái chế và tạo ra thị trường tiêu thụ mới cho rác thải nhựa tái chế để giúp loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường”.
Còn ông Thanapat Kaweetraiphop – Giám đốc Thương mại – Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn, một đơn vị thành viên của tập đoàn SCG khẳng định: “Để xây dựng kinh tế tuần hoàn, sự phát triển cơ sở hạ tầng dưới sự điều hành của Chính phủ, những quy định nghiêm ngặt và quy trình xử lý rác thải khắt khe là không đủ. Việc hợp tác giữa tất cả các bên là một yếu tố quan trọng để kinh tế tuần hoàn được thực hiện.”
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ thêm: “Kinh tế tuần hoàn, cũng như phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa, dù đã được nhắc đến rất nhiều tại Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta thiết lập được một nhóm làm việc tâm huyết để triển khai mô hình này một cách thực tế và hiệu quả. Với sự đồng thuận của Bộ TN&MT và các đối tác, một lần nữa đã khẳng định hướng tiếp cận đúng đắn của Unilever: nền kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam”.
Đánh giá cao sự hợp tác giữa Bộ TN&MT với Unilever Việt Nam, Dow Việt Nam và Hóa dầu Long Sơn, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân hy vọng, sự tiên phong và trách nhiệm của 3 doanh nghiệp sẽ tạo niềm cảm hứng và tạo thành phong trào kết nối thêm nhiều doanh nghiệp cùng hành động có trách nhiệm với môi trường tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ |
Được biết, sau khi Biên bản ghi nhớ được ký kết, Bộ TN&MT và các doanh nghiệp sẽ thành lập Tổ công tác chung để xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể về 4 nội dung ưu tiên. Đó là nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn; hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa; tăng cường đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế rác thải nhựa và tăng cường đối thoại và xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Theo Báo TN&MT