Nỗ lực phát triển bền vững nguồn nước sông Mê Công
Năm 2021, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam hướng tới những nhiệm vụ mới có tính đột phá nhằm hỗ trợ quản lý thống nhất, hiệu quả và bền vững Lưu vực sông Mê Công.
Ngày 17/12, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo |
Thứ trưởng Lê Công Thành biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam trong năm 2020.
Tiếp tục phát huy những kết quả đó, Thứ trưởng đề nghị, trong năm 2021, Văn phòng cần thúc đẩy các hoạt động hợp tác của Ủy ban, trong đó, tăng cường mạng quan trắc tài nguyên nước và môi trường xuyên biên giới, đặc biệt tập trung vào quan trắc tác động của công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công;.
Đồng thời, Văn phòng cần chủ động nắm bắt thông tin về tình khai thác sử dụng tài nguyên nước của các quốc gia phía thượng nguồn, tổ chức thực hiện các nghiên cứu đánh giá, kịp thời tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo công tác hợp tác đối ngoại với các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công và định hướng lồng ghép trong các sáng kiến hợp tác khác.
Bên cạnh đó, Văn phòng tăng cường kết nối với các Bộ ngành và địa phương thành viên trong chia sẻ thông tin số liệu, tham khảo ý kiến, phối hợp hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban, đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông.
Đặc biệt là tập trung thực hiện hiệu quả Đề án kiện toàn Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giúp bộ máy tổ chức được hoạt động hiệu quả.
Theo ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt về chức năng nhiệm vụ được giao bằng việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2020 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Với mục tiêu tăng cường hiệu quả thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012, Ủy ban đã được giao thêm chức năng và nhiệm vụ của các tổ chức Lưu vực sông Cửu Long và Sê San – Srêpốk.
Theo đó, trong năm qua, bên cạnh việc hoàn thành tốt hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Văn phòng cũng đã tiếp tục triển khai các hoạt động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ do Bộ giao với vai trò đầu mối trong các sáng kiến hợp tác song phương và đa phương trong Hợp tác sông Mê Công – Lan Thương về nguồn nước và các hoạt động đào tạo, trao đổi kinh nghiệm khác…
Quang cảnh Hội nghị |
Đáng chú ý, các Bộ ngành và địa phương quan tâm nhiều tới hợp tác Mê Công, đặc biệt là trong triển khai các hoạt động hợp tác tiểu vùng, hợp tác song phương với các quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mê Công quốc tế về tài nguyên nước và tiếp tục nhận dược quan tâm, ưu tiên thực hiện.
Văn phòng Thường trực đã chủ động và kiên quyết thực hiện các biện pháp điều hành công việc, định hướng hiệu quả và tăng cường phối hợp thực hiện các chiến lược và chương trình quốc gia, cũng như lồng ghép và các hoạt dộng của Văn phòng Thường trực vào các hoạt động của Bộ; thực hiện tốt hợp tác với các Bộ, ngành và địa phương trong triển khai nhiệm vụ.
Về kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021, Văn phòng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; tham gia các hoạt động hợp tác trong Ủy hội sông Mê Công quốc tế; đẩy mạnh công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ; các hoạt động theo phân công trong hợp tác với Campuchia, Lào, hợp tác Mê Công – Lan Thương, các sáng kiến hợp tác vùng khác…
Đối với các nhiệm vụ chuyên môn, Văn phòng tập trung thu thập thông tin số liệu, tiến hành phân tích đánh giá và xây dựng các báo cáo kỹ thuật cho các lưu vực sông Cửu Long và Sê San – Srêpốk bao gồm: Báo cáo hiện trạng lưu vực; Báo cáo tài nguyên nước lưu vực sông; Báo cáo Kiểm kê tài nguyên nước lưu vực sông và Báo cáo về An ninh nguồn nước lưu vực sông. Chuẩn bị Bản tin hành tháng về diễn biến tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long theo mùa; theo dõi vận hành các công trình khai thác sử dụng tài nguyên nước thượng nguồn sông Mê Công và các công trình phòng chống lũ hạn Lưu vực sông Cửu Long và các công trình thủy điện Lưu vực sông Sê San – Srêpốk…
Trên cơ sở kết quả đạt được năm 2020 và nhiệm vụ mới năm 2021, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã chia sẻ, đóng góp những ý kiến cụ thể, đề xuất kế hoạch triển khai phương hướng nhiệm vụ trong năm tới của Văn phòng. Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án kiện toàn Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai nhiệm vụ; tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao năng lực đàm phán quốc tế trong các hoạt động của hợp tác Mê Công…
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Thị Thu Linh cho rằng, trong thời gian tới, Văn phòng sẽ có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng cần triển khai với chức năng nhiệm vụ mới. Trong đó, có nhiệm vụ tăng cường mạng lưới quan trắc tài nguyên nước và môi trường xuyên biên giới, đặc biệt là tập trung vào quan trắc tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị quản lý tài nguyên nước trong Bộ trong việc triển khai xây dựng các quy hoạch tài nguyên nước, thành lập các tổ chức lưu vực sông.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục KTTV, bà Đặng Thanh Mai, Phó Tổng Cục trưởng mong muốn, trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc phục vụ cho công tác giám sát, dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn cũng như sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức quản lý các lưu vực sông…
Theo Quyết định số 619/QĐ-TTg, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý các hoạt động liên ngành, liên tỉnh, liên quốc gia nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên Lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các Lưu vực sông Cửu Long và sông Sê San – Srêpốk của Việt Nam, theo quy định của Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo Báo TN&MT