Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, năng lượng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Với đặc thù là một không gian liên thông, được chi phối bởi các hoàn lưu biển, ô nhiễm rác thải nhựa ở biển đã trở thành vấn đề của toàn thế giới. Ô nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Đây là thách thức toàn cầu, đòi hỏi nhân loại phải sớm chung tay hành động. Đến nay, đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa bằng cách giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần nói chung, rác thải nhựa ra biển và đại dương nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo |
Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ thông qua tìm kiếm các đối tác phù hợp, trong đó có các cơ quan của Canada khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Đồng thời, Bộ cũng đã làm việc với Ngân hàng Thế giới để phối hợp xây dựng dự án “Thiết lập quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”; phối hợp với đối tác Nhật Bản xúc tiến việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam…
Bên cạnh đó, Bộ đã tích cực phát động sâu rộng trong toàn ngành tài nguyên và môi trường cũng như trong toàn xã hội phong trào chống rác thải nhựa, tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, hiệu quả.
Bộ trưởng cũng cho biết, để giải quyết thực trạng này cần tập trung đề xuất những giải pháp cụ thể, bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa; cần có cơ chế tài chính khuyến khích chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng việc tái chế và tái sử dụng nhựa; tạo lập cơ chế và huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tất cả các bên liên quan đến sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa.
Cần đưa ra các giải pháp về thông tin dữ liệu về quản lý rác thải nhựa trên biển, các giải pháp khoa học công nghệ giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa, phục hồi các hệ sinh thái biển. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa do đây là vấn đề mang tính toàn cầu, khu vực.
Bà Deborah Paul, Đại sứ đặc quyền toàn quyền Canada phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam Deborah Paul cho biết: Canada tự hào có lịch sử hợp tác lâu dài với Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các ưu tiên chung, liên quan đến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam Deborah Paul nhấn mạnh: “Ô nhiễm nhựa đang hủy hoại các đại dương, ao hồ, và sông ngòi của chúng ta. Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm chống ô nhiễm nhựa. Canada tự hào được hành động cùng Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Tôi rất vui mừng nhận thấy sự tham gia đông đảo của các đại biểu không chỉ đến từ các cơ quan chính phủ mà còn từ khối doanh nghiệp và xã hội dân sự, bao gồm thanh niên và phụ nữ, để thảo luận các sáng kiến, đổi mới nhằm tận dụng nhựa trong nền kinh tế nhưng loại bỏ nhựa ra khỏi đại dương”.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Canada, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới đã chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế liên quan đến phương pháp tiếp cận như: loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa, trách nhiệm mở rộng của người sản xuất và cơ chế tài chính bền vững để phát triển hệ thống xử lý rác thải tiên tiến; xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia phù hợp về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.