Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1
Ngày 18/8, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác đã tới khảo sát, làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 (thuộc Tổng công ty Phát điện 3).
Đoàn công tác về làm việc còn có:
-Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – Vũ Hồng Thanh
– Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – Đoàn Thị Thanh Mai – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường Quốc hội – Phan Xuân Dũng
– Phó Chủ tịnh tỉnh Quảng Ninh – Cao Tường Huy
– Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân
– Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải
Phát biểu tại buổi làm việc Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong việc phát triển nhiệt điện than, vấn đề môi trường cần được đặt ra một cách toàn diện hơn, như cần đầu tư chi phí xứng đáng cho công tác môi trường, chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học để xử lý các chất thải nhiệt điện, sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) đã hoạt động sản xuất kinh danh (SXKD) khá hiệu quả và có đóng góp cho ngân sách nhà nước. Tổng công ty đã đa dạng nguồn điện, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất điện, có ý thức trong bảo vệ môi trường.
Với nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Mông Dương 1, nhà máy đã bước đầu giải quyết được khó khăn đầu vào nhiên liệu than, sử dụng công nghệ trộn than, qua đó đảm bảo cung ứng điện. Nhà máy cũng đã SXKD có lãi và thể hiện ý thức cao trong bảo vệ môi trường.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội – Phan Xuân Dũng khi trực tiếp khảo sát, làm việc tại NMNĐ Mông Dương 1 cũng đã hoan nghênh EVN đầu tư nhà máy có công nghệ trình độ cao, giúp giảm xả thải ra môi trường. “Đặc biệt, tôi thấy cảnh quan nhà máy xanh, sạch, đẹp như công viên, điều này rất tốt” – ông Phan Xuân Dũng ghi nhận.
Cùng chung quan điểm trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội – Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá cao NMNĐ Mông Dương 1 đã thực hiện tốt công tác môi trường, giữ cảnh quan sạch đẹp.
Báo cáo đoàn công tác, ông Lê Văn Danh – Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 3 cho biết, NMNĐ Mông Dương 1 là một trong 11 nhà máy điện thuộc Tổng công ty. Công suất thiết kế của nhà máy là 1.080 MW (2 tổ máy x 540 MW), sử dụng công nghệ CFB (lò hơi tầng sôi tuần hoàn), cấu hình 2 lò 1 máy. Công nghệ này có ưu thế đốt được loại nhiên liệu than kém, lò hơi vận hành tin cậy, ổn định.
Kể từ khi đưa vào vận hành thương mại trong quý IV/2015, đến nay nhà máy sản xuất được 27,754 tỷ kWh và đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 1.400 tỷ đồng.
Năm 2020, NMNĐ Mông Dương 1 được EVN giao kế hoạch sản lượng điện là 7,047 tỷ kWh. Lũy kế đến ngày 15/8, nhà máy sản xuất được 4,74 tỷ kWh; ước cả năm sẽ đạt sản lượng kế hoạch EVN giao.
Thực tế, tình hình SXKD của NMNĐ Mông Dương có lúc không thuận lợi do yếu tố nhiên liệu. Trong những năm gần đây do lượng than sản xuất trong nước không đủ nên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoảng sản TKV đã tiến hành nhập than của nước ngoài trộn với than trong nước để cung cấp cho Nhiệt điện Mông Dương 1, do đó, ảnh hưởng chất lượng than đốt. Một số thời điểm, khối lượng than cấp không đảm bảo theo nhu cầu tiêu thụ, sản xuất của nhà máy.
Về công tác môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1, Tổng giám đốc EVNGENCO 3 khẳng định, cũng như các nhà máy khác của Tổng công ty, công tác này được thực hiện tốt.
Kết quả quan trắc môi trường online, quan trắc, giám sát định kỳ các thông số về khí thải, nước thải, nước làm mát, môi trường xung quanh đều nằm trong giới hạn cho phép. Hệ thống quan trắc môi trường online truyền số liệu của các NMNĐ về Sở Tài nguyên & Môi trường địa phương, đồng thời kết nối về Tổng công ty để kiểm soát. Công tác xử lý bụi, tro, xỉ phát sinh được kiểm soát tốt, đảm bảo môi trường.
Tổng công ty cũng đã chỉ đạo tăng cường mật độ phủ xanh và hoàn thiện hệ thống cảnh quan cây xanh cho NMNĐ Mông Dương 1, hướng đến sản xuất ngày càng thân thiện với môi trường.
Với tro xỉ, NMNĐ Mông Dương 1 đã tiêu thụ 100% xỉ đáy. Tuy nhiên, các đơn vị mua vẫn tích luỹ ở kho bãi tạm (do cung nhiều hơn cầu). Đối với tro bay, hiện nay chỉ khoảng 15% lượng tro bay được tái sử dụng làm gạch và xi măng, còn lại 85% vận chuyển đi san lấp.
EVNGENCO 3 kiến nghị Quốc hội, các bộ, ban, ngành, địa phương có ý kiến chỉ đạo, tạo điều kiện để các chủ đầu tư dự án tăng cường sử dụng tro bay làm vật liệu san lấp. Đồng thời kiến nghị, tiếp tục ủng hộ chủ trương giao các NMNĐ triển khai mua than phù hợp với vận hành của nhà máy.
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, trước nhiều khó khăn, Tập đoàn sẽ nỗ lực để đảm bảo điện cho đất nước. EVN sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà máy điện vừa thực hiện tốt công tác môi trường, vừa sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong SXKD, bảo vệ môi trường.
Văn phòng EVNGENCO3