Sứ mệnh xanh
Là đất nước có tên trong danh sách các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, nếu không có các giải pháp, ước tính Việt Nam sẽ mất khoảng 14,5% GDP vào năm 2050 vì biến đổi khí hậu – đây là nhận định của các nhà khoa học nghiên cứu về hệ lụy gây ra do BĐKH tại Việt Nam.
Càng vào những năm gần đây, thực tiễn càng chứng minh sự gia tăng về tốc độ, tính chất khắc nghiệt, khó lường và khẳng định tình thế không thể đảo ngược của BĐKH. Việc nếm trải những thiệt hại, mất mát do BĐKH gây ra các hình thái thời tiết dị thường đã ảnh hưởng nặng nề đến thành quả, thành tựu kinh tế – xã hội đối với các quốc gia trên thế giới, không riêng gì Việt Nam; kéo lùi tiến trình phát triển; tác động tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý, tính mạng con người. Thực tiễn đặt ra yêu cầu không thể khác, chỉ có sự thay đổi của con người mới có hy vọng ghìm tốc độ của cỗ xe BĐKH, hạn chế sự nóng lên của trái đất, làm chậm quá trình nước biển dâng, xâm nhập mặn cùng rất nhiều hệ lụy từ BĐKH gây ra.
Trong hành trình phát triển của thế giới, Việt Nam là một mắt xích và chúng ta không thể tách khỏi vòng quay chung, nhất là khi trật tự thế giới ngày càng phức tạp với chằng chịt các mối quan hệ đa phương song phương như hiện nay thì đáp số chung về giải pháp mà nhiều nước đang theo đuổi đó là: Phải phát triển, nhưng, phải là phát triển xanh để phát triển bền vững.
Tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Việt Nam cũng đã kích hoạt hệ thống hành động ngay sau cam kết. Trong bối cảnh được cho là giao thời hiện nay, vấn đề chuyển đổi xanh đang là mối quan tâm với tần số xuất hiện rất cao tại Việt Nam.
Chúng ta bắt buộc phải chuyển đổi để hướng đến mục tiêu xanh. Đây là sự chuyển đổi mang tính tất yếu của Việt Nam; là mô hình tăng trưởng chú trọng vào quá trình phát triển kinh tế đảm bảo bền vững về môi trường, thông qua việc giảm phát thải, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn tình trạng suy giảm hệ sinh thái.
Con đường đi đó chúng ta đã lựa chọn và công bố nó bằng thể diện quốc gia, bằng cam kết đạo đức… Một cuộc chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng đã và đang diễn ra không chỉ trong khuôn khổ quốc gia mà đã mở rộng, vươn tầm thế giới thông qua các thỏa thuận hợp tác hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam.
Với vai trò kết nối, lan tỏa các chính sách xanh, hành động xanh, báo chí truyền thông trong nước đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Là cơ quan ngôn luận của Bộ TN&MT – đơn vị tiên phong trong công cuộc chuyển đổi xanh, Báo TN&MT, bên cạnh thường xuyên thực hiện sứ mệnh truyền thông, đã đặt niềm hy vọng lớn vào việc lan tỏa các thông điệp tại những diễn đàn quy mô để tạo điều kiện cho báo chí thực sự phát huy vai trò cầu nối đưa chủ trương, chính sách, yêu cầu chuyển đổi xanh tới các đối tượng tiếp nhận, tiếp cận; mở ra cơ hội cho các ý tưởng, giải pháp, sáng kiến, mô hình xanh; đồng thời, thúc đẩy hiện thực hóa sứ mệnh xanh trong mỗi tổ chức, cá nhân. Trải qua liên tiếp 6 năm được tổ chức, Diễn đàn Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với TN&MT đã ghi dấu ấn tích cực trong bức tranh truyền thông về phát triển xanh bền vững. Những chủ đề mà Diễn đàn hướng đến đều thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, các doanh nghiệp và giới báo chí trong cả nước.
Chuyển đổi xanh đã và đang tạo nên làn sóng xanh phủ khắp Việt Nam. Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp phải là một hạt nhân trong làn sóng đó, chung tay vì một ngày mai xanh hơn, vì một Việt Nam thịnh vượng hơn. Để những diễn đàn phát huy tối đa hiệu quả truyền thông, những người làm báo không chỉ tuyên truyền mà còn hành động. Việc Báo TN&MT tặng quà, đồng hành cùng ngư dân bám biển; phát động chiến dịch làm sạch môi trường biển; tặng bồn chứa nước ngọt cho dân song song với tổ chức diễn đàn là một minh chứng thuyết phục về việc truyền thông đang đi vào chất và những người làm báo đang thực hiện đúng vai trò, sứ mệnh của mình trong nhiệm vụ truyền thông vì mục đích chuyển đổi xanh, truyền thông vì mục tiêu phát triển xanh bền vững.
Những cam kết của Việt Nam trước thế giới được ràng buộc bằng đạo đức, truyền thông cũng phải được thực hiện trên nền tảng đạo đức và hành động đi cùng truyền thông cũng phải lấy đạo đức làm đầu. Đạo đức sẽ là chuẩn mực xuyên suốt công cuộc xanh của Việt Nam, trong đó có truyền thông mà trực tiếp là Báo TN&MT. Chỉ có đạo đức mới thực sự thức tỉnh con người thay đổi hành vi trước sứ mệnh xanh mà bất cứ ai đều phải thực hiện.
Theo Báo TN&MT