Tiếp tục phát triển công nghệ khai thác dầu từ đá móng
Ngày 6/9/2018 tại Thành phố Vũng Tàu, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (Vietsovpetro) đã tổ chức Hội nghị khoa học kỷ niệm 30 năm khai thác dầu từ tầng đá móng mỏ Bạch Hổ (06/9/1988 – 06/9/2018).
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Công ty AO Zarubezhneft LB Nga, Hội Dầu khí Việt Nam và 250 nhà khoa học đến từ Petrovietnam, các viện nghiên cứu, các trường đại học của Việt Nam và LB Nga và các nhà khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của Vietsovpetro.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó tổng giám đốc Vietsovpetro Lê Việt Hải đã ôn lại kỳ tích lịch sử của Vietsovpetro nói riêng và Petrovietnam nói chung khi mà cách đây 30 năm, vào ngày 6-9-1988, dòng dầu đầu tiên được khai thác từ khối đá móng macma cổ của mỏ Bạch Hổ đưa vào hệ thống công nghệ khai thác của Vietsovpetro. Việc phát hiện và đưa vào khai thác thành công thân dầu trong đá móng ở mỏ Bạch Hổ đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử cho ngành Dầu khí Việt Nam, làm thay đổi quan điểm truyền thống về đối tượng tìm kiếm, thăm dò dầu khí, mở ra hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí mới vô cùng quan trọng ở bể Cửu Long nói riêng và thềm lục địa Việt Nam nói chung, tạo động lực hấp dẫn và thu hút mạnh mẽ các công ty dầu khí trên thế giới quay trở lại đầu tư và thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, đóng góp quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng của ngành Dầu khí Việt Nam.
Riêng đối với Vietsovpetro, việc phát hiện thân dầu trong đá móng ở mỏ Bạch Hổ là một kỳ tích lịch sử, nhưng làm thế nào để khai thác thân dầu này với hiệu quả kinh tế và hệ số thu hồi dầu cao nhất, bảo vệ tốt môi trường sinh thái trong hoàn cảnh đây là thân dầu đặc biệt, chưa có tiền lệ, trên thế giới chưa có kinh nghiệm, là công việc hết sức khó khăn.
Ngay sau khi phát hiện dầu trong đá móng và đưa vào khai thác vào năm 1988, Vietsovpetro đã tổ chức nghiên cứu tỉ mỉ thân dầu hiếm có này. Nhiều vấn đề đã được các chuyên gia Vietsovpetro nghiên cứu và xử lý từng bước thành công, dần dần làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, những đặc thù về hệ thống dầu khí, cơ chế hình thành, mô hình đá chứa – đặc trưng thấm chứa, cũng như về mức độ sản phẩm của thân dầu. Qua đó, Vietsovpetro đã xây dựng một hệ thống phương pháp luận đầy đủ, khoa học để nghiên cứu thân dầu trong đá móng từ giai đoạn thăm dò, thẩm lượng, thiết kế khai thác, công nghệ khoan và khai thác mỏ.
Đến nay, sau 32 năm kể từ ngày khai thác tấn dầu thô đầu tiên (26-6-1986), đặc biệt là sau khi khai thác thành công dầu từ tầng đá móng (6-9-1988) Vietsovpetro đã khai thác được trên 230 triệu tấn dầu (trong đó dầu khai thác từ tầng đá móng chiếm trên 85% sản lượng), cung cấp vào bờ trên 34 tỉ m3 khí đồng hành, doanh thu bán dầu đạt gần 78 tỉ USD, nộp ngân sách Nhà nước Việt Nam trên 48 tỉ USD.
Sự phát triển hiệu quả của Vietsovpetro đã là nhân tố kích thích, lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài vào công tác thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, tạo ra động lực thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác phát triển, như khí – điện – đạm, cơ khí chế tạo – lắp ráp, lọc hóa dầu, công nghiệp tàu biển và các dịch vụ dầu khí khác. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau hơn 30 năm, công nghiệp dầu khí đã có tác động không nhỏ đến việc thay đổi căn bản về cơ sở hạ tầng, về cơ cấu kinh tế của địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San điểm lại những khó khăn, thành tựu của việc tìm kiếm, thăm dò và phát hiện thân dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ. Kinh nghiệm nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò và khai thác có hiệu quả thân dầu đặc biệt này đã có đóng góp to lớn, quan trọng cho ngành Dầu khí Việt Nam, cho khoa học – công nghệ dầu khí thế giới, được Nhà nước, các tổ chức khoa học – công nghệ quốc gia và quốc tế đánh giá cao và trao những phần thưởng xứng đáng. Tiêu biểu là công trình “Tìm kiếm, phát hiện và tổ chức khai thác hiệu quả các thân dầu trong đá móng nứt nẻ trước Đệ tam” đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN vào năm 2010 và công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện thành công hệ thống công nghệ thu gom, xử lý và vận chuyển dầu trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Vietsovpetro và các mỏ kết nối” được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2016.
Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá cao mô hình tổ chức và áp dụng khoa học công nghệ của Vietsovpetro với hạt nhân là Viện NIPI. Mô hình này đã tạo hiệu quả to lớn cho hoạt động của Vietsovpetro bắt đầu từ việc hoạch định chiến lược phát triển, đánh giá tiềm năng tài nguyên, lập kế hoạch thăm dò, xây dựng mỏ, khai thác móng mỏ trong dài hạn, ngắn hạn cho đến nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ, sáng kiến – sáng chế, nâng cao năng suất lao động trong tất cả các khâu. Việc tổ chức thường xuyên các hội nghị khoa học, hội thảo chuyên đề cũng đã góp phần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, phát triển và áp dụng công nghệ ở Vietsovpetro.
Tại hội nghị, Thành viên HĐTV Petrovietnam Phan Ngọc Trung khẳng định: Đây là kết quả rất tự hào của các nhà khoa học, tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro. Việc phát hiện và khai thác hiệu quả thân dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ đã làm thay đổi quan điểm tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam và khu vực, đồng thời có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành Dầu khí nói riêng và kinh tế đất nước nói chung. Trong giai đoạn hiện nay, khi sản lượng dầu trong tầng móng mỏ Bạch Hổ đã suy giảm, Vietsovpero cần tiếp tục có các giải pháp tối ưu để tiếp tục khai thác có hiệu quả, nâng cao hệ số thu hồi dầu, đồng thời tiếp tục thăm dò, tìm kiếm các thân dầu tương tự trên thềm lục địa Việt Nam.
Hội nghị là dịp để tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ bản chất khoa học của các hiện tượng, các vấn đề chưa được lý giải, tiếp tục đóng góp những luận cứ cho khoa học công nghệ dầu khí, đồng thời tìm cách giải quyết các vấn đề còn tồn tại và những thách thức mới nảy sinh trong thực tiễn thăm dò và khai thác dầu khí phi truyền thống dạng thân dầu đá móng nứt nẻ.
Ông Phan Ngọc Trung đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thời gian, trí tuệ để trao đổi, thảo luận, làm rõ các nội dung, bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp công nghệ có tính khoa học, khách quan, đáp ứng nhu cầu ứng dụng trong thực tiễn của Vietsovpetro và các đơn vị/nhà thầu dầu khí đang hoạt động tại Việt Nam, giải quyết các vấn đề trước mắt như tiếp tục tận thăm dò hiệu quả Lô 09-1; tối ưu chế độ khai thác và các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu của các mỏ lớn như Bạch Hổ, Rồng… Quan trọng hơn, tiếp theo đây, cần nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa, có tính hệ thống và lý thuyết cho công nghệ tìm kiếm – thăm dò – khai thác dầu khí trong tầng đá móng tại Việt Nam, để thành công của thời gian qua không chỉ là những nỗ lực cụ thể cho một giai đoạn, mà là những cơ sở lý thuyết vô giá, những bài học to lớn về quy trình tìm kiếm – thăm dò – khai thác dầu khí trong tầng đá móng, để các thế hệ nhà khoa học và cán bộ dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong đó có Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công to lớn hơn nữa, đóng góp cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam và thế giới.
Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã lựa chọn 12 báo cáo trên tổng số 60 báo cáo khoa học để trình bày và thảo luận. Hội nghị đã nhìn nhận, đánh giá những thành tựu đã đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng và phát triển công nghệ thăm dò và khai thác thân dầu đặc biệt hiếm có này, cũng như thảo luận, đề xuất những giải pháp tối ưu để tiếp tục khai thác có hiệu quả mỏ Bạch Hổ trong giai đoạn cuối và tiếp tục thăm dò, tìm kiếm các thân dầu tương tự trên thềm lục địa Việt Nam.