Tiêu chuẩn IATF 16949:2016: Vì một ngành công nghiệp ôtô bền vững
IATF 16949:2016 được tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và nhóm ngành ôtô quốc tế (IATF) ban hành vào tháng 10 năm 2016 nhằm thay thế cho tiêu chuẩn ISO/TS 16949:2009. Đây là tiêu chuẩn áp dụng đối với hệ thống quản lý chất lượng đặc thù đối với ngành công nghiệp ôtô và các nhà sản xuất linh kiện liên quan.
Các chuyên gia thăm dây chuyền đúc tự động tại Nhà máy đúc Veam |
Để ứng dụng được IATF 16949:2016, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu nêu trong tiêu chuẩn IATF 16949:2016, doanh nghiệp phải áp dụng thường xuyên 5 công cụ cốt lõi của ngành sản xuất linh kiện ôtô (5 Core tools) là: FMEA – phân tích hình thức sai lỗi tiềm ẩn và tác động của các hình thức sai lỗi tiềm ẩn; SPC -kiểm soát quá trình bằng thống kê; MSA – phân tích hệ thống đo lường; APQP -cách thức hoạch định tiên tiến về chất lượng sản phẩm và kế hoạch kiểm soát và PPAP – quá trình phê duyệt sản xuất (hàng loạt).
Mặc dù, ban đầu còn nhiều lúng túng nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ và lắp ráp ôtô trong nước đã kịp thời hoàn thiện các yêu cầu mà tiêu chuẩn mới đề ra và đã được cấp chứng chỉ IATF 16949:2016. Bước đầu tiêu chuẩn mới đã giúp năng suất, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp ổn định và tăng lên, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là một minh chứng.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các đối tác trong lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy, ngay sau khi IATF
16949:2016 được công bố, VEAM đã hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, đào tạo, tư vấn cho 2 đơn vị thành viên là Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công (Disoco) và Công ty Phụ tùng máy số 1 (Futu1) để xây dựng IATF 16949:2016. Đến nay cả hai đơn vị này đã đạt chứng nhận IATF 16949:2016, hiện VEAM cũng đã triển khai tiếp cho các đơn vị khác trong tổng công ty như: SVEAM và Đúc VEAM tại miền Nam.
Ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó Tổng giám đốc VEAM – cho biết: Ban đầu triển khai chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị thành viên cho rằng, mình chỉ sản xuất linh kiện xe máy còn để xây dựng IATF 16949:2016 thì điều kiện cần là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ôtô và phải có dữ liệu sản xuất ít nhất trong 1 năm cho các khách hàng cụ thể. Tuy nhiên, đây là cách hiểu sai lầm vì đối với thế giới ngành sản xuất công nghiệp ôtô được hiểu bao gồm cả xe máy nên sau khi hiểu rõ vấn đề, các đơn vị đã chấp thuận triển khai xây dựng IATF 16949.
Để tối ưu hóa chi phí và không xáo trộn sản xuất, VEAM đã lựa chọn ở mỗi doanh nghiệp một xưởng sản xuất để áp dụng, cụ thể ở Disoco là xưởng làm phụ tùng cho Honda và ở Futu1 là xưởng rèn tay biên cũng phục vụ cho Honda. Tại Disoco, sau 1 năm áp dụng IATF 16949:2016, tổng giá trị đơn hàng cho sản xuất linh kiện ôtô năm 2018 đạt 78 tỷ đồng tăng gấp 3 lần so với trước khi áp dụng, năng suất lao động tăng lên 150%, chất lượng sản phẩm tăng cao, tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng giảm 20%.
Trước những lợi ích mà IATF 16949:2016 mang lại, các phân xưởng sản xuất còn lại của Disoco và Futu1 cùng các doanh nghiệp thành viên của VEAM cũng đã chủ động triển khai xây dựng IATF 16949:2016, nhận thức của các cán bộ, công nhân viên trong công ty cũng được nâng lên.
Ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó Tổng giám đốc VEAM: Lợi ích lớn nhất mà doanh nghiệp có được từ việc áp dụng tiêu chuẩn IATF 16949:2016 là chất lượng của sản phẩm và dịch vụ luôn ổn định, đáp ứng yêu cầu về an toàn, tạo lợi thế cạnh tranh cũng như nâng cao thương hiệu, làm tăng thêm sự tin tưởng của khách hàng, tiết kiệm chi phí góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận. |