Vì một tương lai xanh

Sự ra đời của bao ni lông và đồ nhựa là một trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại. Bởi lẽ những thứ này rẻ và tiện dụng nên nó được dùng mọi lúc, mọi nơi, dùng một cách vô tội vạ và thải bỏ một cách tràn lan. Và cũng từ đó, nó gây ra rất nhiều những mối họa đe dọa nghiêm trọng môi trường và sức khỏe con người. Tất nhiên, môi trường biển cũng không ngoại lệ.

Hằng năm, hàng triệu tấn rác thải đổ ra các đại dương bởi sự thiếu kiểm soát rác thải ở đầu nguồn, sự buông lỏng kiểm soát ở các cửa sông đổ ra biển và do những bàn tay vô ý thức trực tiếp xả rác ra biển của con người. Người ta vô tư xem chuyện vứt rác ra biển là bình thường và nghĩ không có gì gọi là nghiêm trọng cả. Để từng ngày, những sinh vật biển bị mắc kẹt trong túi ni lông, những vùng biển bị ô nhiễm do rác, môi trường sống của các loài sinh vật biển bị rác lấn chiếm, thu hẹp, những con cá kết thúc cuộc đời của mình ngay chính “ngôi nhà biển thân thuộc”, màu xanh của biển hóa thành đục ngầu. Hệ sinh thái mất cân bằng đáng báo động.

Việt Nam là một trong những nước nằm trong danh sách xả rác nhựa ra biển hàng đầu thế giới. Những bãi biển xinh đẹp chịu cảnh xấu xí vì rác bẩn không phải là chuyện hiếm. Như biển Mỹ Khê ở Quảng Ngãi quê tôi chẳng hạn.

a2(1).jpg
mọi nỗ lực xoa dịu vết thương của biển chẳng thấm là bao khi một người nhặt mà năm, mười người vứt rác

Dù bãi biển này không nổi tiếng bằng biển Mỹ Khê ở Đà Nẵng, nhưng ít ra, đối với người dân Quảng Ngãi, đây là bãi biển đẹp và nổi tiếng nhất tỉnh nhà. Nhưng nó cũng chịu cảnh nhếch nhác không kém các “bạn biển” ở những nơi khác.

Rác và rác, nhiều đến nỗi người ta nói đùa rằng, nếu như có máy dọn rác thì tốt biết mấy. Bao người lắc đầu ngao ngán và trách giận những ai đã không biết bảo vệ môi trường. Rồi họ cúi lượm từng mảnh rác bỏ vào bao, góp phần làm cho biển sạch sẽ hơn. Tiếc thay, vài hôm sau, đâu lại vào đấy.

Vừa rồi nhân Ngày Môi trường thế giới, hàng trăm đoàn viên ra quân dọn rác ở biển Mỹ Khê trông cũng khá quy mô và hoành tráng. Nhưng những hoạt động như thế không thường xuyên hằng ngày được vì công việc của thanh niên không chỉ dọn rác mà thôi. Vì vậy, họ cũng chỉ tham gia theo kế hoạch của phong trào, còn lại, những tổ chức, cá nhân, những đoàn viên thanh niên bền bỉ nhặt rác từng ngày không có nhiều, không đáp ứng đủ so với lượng rác phát sinh trên biển.

Thỉnh thoảng, cũng có những chương trình, hoạt động nhặt rác được phát động như chương trình “Ngày Chủ nhật xanh”. Nhưng mọi nỗ lực xoa dịu vết thương của biển chẳng thấm là bao khi một người nhặt mà năm, mười người vứt rác. Tôi nghĩ, tình hình ở biển Mỹ Khê cũng như ở những bãi biển xinh đẹp khác, chỉ được cải thiện khi chúng ta có những bước đi mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Là một người con sinh sống tại Quảng Ngãi, tôi xin đề xuất một vài giải pháp bảo vệ môi trường biển như sau:

Hãy dùng mạng xã hội để tuyên truyền: Việc tuyên truyền là điều xuyên suốt không thể bỏ quên trong cuộc chiến chống rác thải biển. Nhưng tuyên truyền như thế nào cho hiệu quả mới là vấn đề.

Tuyên truyền theo kiểu phát tờ rơi hay dán áp phích, rồi đến từng nhà dân giảng giải cho người dân hiểu xem ra không xoay chuyển tình thế là mấy. Bởi lẽ, chúng ta không thể tới từng nhà để vận động mãi được. Và điều quan trọng là những ảnh minh họa chưa đủ sức thuyết phục để có thể lay chuyển suy nghĩ của người dân hành động ý thức hơn.

Bấy lâu nay, những bài báo với bao con chữ trên giấy đầy tâm huyết về vấn đề đáng quan tâm này cũng chỉ mang lại một phần tác dụng. Bởi lẽ, văn hóa nghe nhìn đang cạnh tranh quyết liệt với văn hóa đọc. Nhất là giới trẻ ngày nay rất ít khi đọc sách báo. Trong khi đó, chính những con người này sẽ quyết định trực tiếp đến sức khỏe biển trong tương lai.

Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển với tốc độ chóng mặt. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng lợi thế này để công tác tuyên truyền hiệu quả hơn?

Đẩy mạnh truyền thông nhiều hơn nữa bằng những video, clip trên Youtube phản ánh thực trạng rác thải biển ở Việt Nam cũng như thế giới. Những hình ảnh sinh động rất thực tế này sẽ tác động đáng kể đến cảm nhận của người xem.

Trên fanpage của mình, Bộ TN&MT cũng như Báo TN&MT cần đăng thường xuyên những bài tuyên truyền ngắn đầy tính thời sự kèm những ảnh về rác thải biển cũng như các hoạt động dọn rác thải của các tổ chức, cá nhân. Cần chỉ ra những tác hại nghiêm trọng của việc xả rác thải trên biển và nêu gương những người tích cực bảo vệ môi trường biển hơn nữa.

Trên Facebook hiện nay có những group hoạt động với hàng chục ngàn thành viên, nhưng tiếc là ít nói về môi trường biển. Thiết nghĩ, cần có những người tâm huyết tạo nên những group công khai mời gọi đông đảo thành viên tham gia để cùng nhau lan tỏa những hành động đẹp bảo vệ môi trường và lên án những hành vi xấu.

Sẽ tuyệt vời nếu đồng hành cùng cuộc chiến này có sự góp mặt của những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Họ có thể là chính khách, doanh nhân, nhà khoa học và đặc biệt là những người trong showbiz. Những người này, với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, sẽ tạo hiệu ứng lan truyền đến nhiều người hơn trên mạng xã hội.

Nêu gương người tốt việc tốt, tại sao không? Trong cuộc thi Sống Đẹp hồi năm ngoái do Báo Thanh Niên tổ chức, bài thi đoạt giải Nhất là bài nói về anh Chiến Lê cùng anh em ở Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển SASA – những người dồn hết thời gian, công sức và tiền bạc của mình để cứu sinh vật biển và tái tạo rạn san hô ở Đà Nẵng.

Với tình yêu biển của mình, các anh đã nhiều lần cứu tính mạng của rùa và cá heo. Đồng thời, làm sạch rạn san hô dưới đáy biển và tái tạo những rạn bị tổn hại với độ tỉ mỉ và tâm huyết rất lớn. Tôi nghĩ đây là những con người đang âm thầm làm đẹp môi trường biển. Họ xứng đáng được biết đến và được ca ngợi nhiều hơn nữa để là tấm gương sáng cho mọi người soi vào. Cần khuyến khích và động viên tinh thần họ để trong xã hội ngày càng có thêm nhiều người yêu biển, bảo vệ biển.

Khuyến khích các giải pháp thân thiện môi trường: Nhà nước cần khuyến cáo người dân phân loại rác tại nhà. Dường như việc này thực hiện chưa thực sự hiệu quả, bởi nhiều người dân chưa có kiến thức để biết được đâu là rác vô cơ, hữu cơ. Và họ cũng chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc phân loại này. Vì vậy, tôi cho rằng, các cấp chính quyền cần phổ biến việc này sâu rộng hơn.

Đồng thời, khuyến khích mọi nhà dùng bao, chai phân hủy sinh học nhiều hơn, loại bỏ dần việc dùng các loại bao khó phân hủy. Cũng cần có những chính sách hỗ trợ các nhà máy mua sắm máy móc với công nghệ cao phục vụ quá trình sản xuất nhựa sinh học hiệu quả hơn.

Cần áp dụng những chế tài mạnh mẽ: Việc đưa pháp luật vào cuộc chiến chống rác thải là điều cần thiết. Bất cứ cá nhân, tổ chức nào có hành vi gây ô nhiễm biển cần phải bị xử phạt thật nặng để răn đe. Vì màu xanh của biển và vẻ đẹp hệ sinh thái, không còn cách nào khác là phải thật sự mạnh tay.

Và cuối cùng vẫn là câu chuyện ý thức: Ý thức quyết định mọi chuyện: Nếu đây là một bài toán thì bài toán chỉ được giải nhanh khi và chỉ khi mọi người dân cùng chung tay góp sức bảo vệ từng bờ cát, bãi biển.

Bài toán khó nhất là ở ý thức. Có lẽ đã đến lúc ý thức cần được đánh thức vì chúng ta đã “ngủ” quá lâu. Nếu để lâu hơn nữa, một ngày kia, hậu quả sẽ khôn lường.

Đừng để thế hệ con trẻ mai sau chỉ biết ngắm nhìn biển và rạn san hô xinh đẹp qua tranh ảnh. Đừng để biển chết trước mắt mà chính chúng ta phải chịu trách nhiệm cho điều đó. Đừng để sóng xô bờ cát là bao ni lông, chai nhựa thay cho nghêu, sò, ốc, hến. Đó là điều không ai mong muốn chút nào.

Theo Báo TN&MT