Việt Nam – Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác về công nghệ năng lượng sạch

Sáng ngày 27/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kinh tế công nghiệp và thương mại Nhật Bản tổ chức Hội thảo Đối tác công – tư Việt Nam – Nhật Bản về công nghệ năng lượng sạch. Hội thảo nằm trong chuỗi “Kế hoạch hành động toàn cầu hướng tới nền kinh tế ít carbon” mà Nhật Bản triển khai để hỗ trợ các nước thành viên ASEAN.

Hội thảo đã thu hút gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ hai quốc gia, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương – năng lượng là yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Trong những năm qua, với sự quan tâm của Nhà nước, hệ thống năng lượng tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội.

viet nam nhat ban day manh hop tac ve cong nghe nang luong sach
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ năng lượng liên tục tăng cao đã làm nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước, tác động tiêu cực đến môi trường. Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đồng thời triển khai nhiều chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Bộ Công Thương cũng đang tích cực làm việc với các cơ quan liên quan, nghiên cứu các giải pháp để phát triển một cách hiệu quả hơn mà vẫn đảm bảo an toàn môi trường, ổn định trong vận hành hệ thống điện. Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt về lâu dài với chi phí hợp lý, đáp ứng phát triển bền vững của đất nước.

“Với những cơ chế FIT hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư đang tiếp tục đề xuất đăng ký đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời mà cụ thể hiện nay Bộ Công Thương đã nhận được gần 30.000 MW công suất các dự án điện mặt trời và trên 10.000 MW điện gió do các nhà đầu tư đề xuất. Tôi tin tưởng với cơ chế khuyến khích hấp dẫn của Chính phủ Việt Nam, sự tiến bộ của công nghệ ĐMT, ĐG mục tiêu đạt 20% công suất hệ thống từ năng lượng tái tạo(không kể thủy điện) sẽ được hoàn thành vượt mức”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.

viet nam nhat ban day manh hop tac ve cong nghe nang luong sach
Ông Daisuke Okabe – Phó Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam

Là quốc gia có nhiều sáng kiến, giải pháp trong phát triển nguồn năng lượng sạch, Nhật Bản đã xây dựng được hệ thống năng lượng xanh, sạch, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội. Tại hội thảo, ông Daisuke Okabe – Phó Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam – phát biểu: “Hoạt động giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Kinh tế công nghiệp và thương mại Nhật Bản cùng Bộ Công Thương Việt Nam đã tiến hành nhiều hội đàm cấp Bộ trưởng, cùng với biên bản ghi nhớ về hoạt động của tổ công tác lần thứ nhất được ký vào tháng 11/2017 và tiếp theo là tháng 3/2018 hai bên đã có hoạt động đối thoại chính sách, triển khai hợp tác và hội thảo về công nghệ năng lượng sạch lần này là thành quả của quá trình hợp tác trên. Tôi mong muốn sau sự kiện này nhiều chương trình hợp tác nhằm giảm phát thải CO2 trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ được triển khai”.

viet nam nhat ban day manh hop tac ve cong nghe nang luong sach

Tại hội thảo, các diễn giả đã trao đổi, thảo luận các nội dung như: Tổng quan về ngành năng lượng và các chính sách biến đổi khí hậu; công nghệ thông minh trong ngành năng lượng tái tạo; công nghệ thông minh về sử dụng năng lượng hiệu quả. Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn Việt Nam chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển năng lượng tái tạo cũng như các biện pháp và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Nhật Bản.

viet nam nhat ban day manh hop tac ve cong nghe nang luong sach
Đại biểu 2 bên chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Đến nay Việt Nam đã có 2 chương trình về tiết kiệm điện, Chương trình thứ nhất vào năm 2005-2015 chia làm 2 giai đoạn, từ năm 2005-2010 chúng ta đã tiết kiệm được 3,4% tổng năng lượng sử dụng, tương đương với 4,9 triệu tấn dầu quy đổi, giai đoạn 2011-2016 chúng ta đã tiết kiệm được gần 6%, tương ứng với 11,2 triệu tấn dầu quy đổi. Chương trình tới đây Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, hy vọng quý 1/2019 sẽ được phê duyệt với mục tiêu từ năm 2019-2020 phải tiết kiệm được 8-10%, tương ứng với 60 triệu tấn dầu quy đổi.

Thu Hường – Phạm Tiệp/baocongthuong.vn