Con đường Xanh hướng tới phát triển cộng đồng bền vững

Ngày 19/10, Tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, Tổ chức Bánh mì cho Thế giới (BfdW) và các đối tác đã tổ chức Hội thảo “Con đường xanh hướng tới phát triển bền vững”. Sự kiện này nhằm tạo ra các cơ hội để chia sẻ và học hỏi các thực hành tốt về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, và nông nghiệp sinh thái thông qua nhiều kênh khác nhau như triển lãm, networking và thảo luận bàn tròn. Hội thảo là một phần trong hoạt động kỷ niệm chặng đường 25 năm Bánh mì cho Thế giới hỗ trợ cho Việt Nam.

Sự kiện với sự tham dự của hơn 100 đại diện đến từ các đối tác chiến lược, các cộng đồng thụ hưởng dự án của Tổ chức Bánh mì cho Thế giới, các cơ quan chính phủ, đại sứ quãn, quỹ và giới truyền thông.

Con đường Xanh hướng tới phát triển cộng đồng bền vững

Trưởng Văn phòng đại diện Bánh mì cho Thế giới khu vực Việt Nam – Lào, Bà Eva-Maria Jongen cho biết: Tổ chức Bánh mì cho Thế giới luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đối tác phi lợi nhuận, các trường đại học và các viện nghiên cứu, các cơ quan chính phủ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy các giải pháp xanh với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu ngày càng là mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững toàn cầu. Theo báo cáo 1,5o của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu chỉ ra rằng nếu phát thải toàn cầu không giảm đi một nửa vào năm 2030, thì sự ấm lên toàn cầu sẽ đạt 1,5o vào những năm 2030 và sẽ không còn cơ hội để trở về mốc 1,5o.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Tài nguyên – Môi trường, mực nước biển dâng gây mất 5% đất dọc các bờ biển và giảm 10% GDP. Tác động của biến đổi khí hậu – trong đó có hạn hán và suy giảm tài nguyên nước, xói lở đất và mất chất dinh dưỡng trong đất, sa mạc hóa, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai. Không chỉ vậy, tác động của biến đổi khí hậu đã là suy giảm sản xuất lương thực, thực phẩm – đã gạt đi bao thành tựu đạt được, làm chậm sự phát triển trong nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống con người.

Trước thực trạng đó, theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, việc bảo vệ và trồng rừng là một trong những giải pháp hàng đầu để ngăn chặn biến đổi khí hậu, góp phần vào thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Tại Việt Nam, bình quân mỗi năm trồng thêm được 270.000 ha rừng, đã đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42% vào cuối năm 2021.

Ông Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh: Quản trị và phát triển rừng bền vững đã được thúc đẩy mạnh mẽ, hiện Việt Nam đã có khoảng 400.000 ha rừng được cấp chứng nhận rừng bền vững FSC. Bảo vệ rừng, trồng rừng đã đem lại sinh kế cho hàng chục triệu nông dân, đồng thời góp phần vào kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 15 tỷ USD mỗi năm.

Con đường Xanh hướng tới phát triển cộng đồng bền vững

Hội thảo tổ chức tại khuôn viên của Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

Bên cạnh đó, năng lượng vừa là bài toán, vừa là lời giải trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Sản xuất và tiêu thụ năng lượng hiện là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Mặt khác, sự phát triển đột phá của năng lượng gió và mặt trời đã trở thành giải pháp then chốt để cứu loài người khỏi thảm họa khí hậu.

Tại Phiên chuyên đề “Năng lượng tái tạo” của Hội thảo, Bà Vũ Thị Bích Hợp, Chủ tịch Hội đồng quản lý, giám đốc trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) cho biết, biến đổi khí hậu đang ngày càng trở lên khắc nghiệt hơn trong thế kỷ qua, và nguyên nhân sâu xa có thể kể đến từ quá trình tăng phát thải CO2, khí nhà kính vào bầu khí quyển do phát triển công nghiệp, sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, quá trình chuyển dịch năng lượng được kỳ vọng góp phần đưa thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu của thế kỷ và xa hơn là các mục tiêu phát triển bền vững. Gần đây nhất, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow kêu gọi việc “giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”, đồng thời thừa nhận “sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng”. Đây là được xem là bước ngoặt lớn, bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu LHQ.

Nhất là trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam đang đứng trước thách thức kép là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu và sự cấp thiết của việc cắt giảm khí thải. Thách thức đặt ra là chuyển dịch năng lượng để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhưng không đánh đổi môi trường và đảm bảo công bằng xã hội. Một số thách thức mà quá trình chuyển dịch năng lượng đặc biệt cần chú trọng khi bắt đầu để đảm bảo tính công bằng như: rủi ro xung đột đất đai, sinh kế và việc làm, chuẩn bị nguồn nhân lực, đảm bảo chế độ phúc lợi…

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng đại diện Tổ chức Bánh mì cho Thế giới khu vực Việt Nam – Lào, Bà Eva-Maria Jongen cho biết, Tổ chức Bánh mì cho Thế giới là một cơ quan phát triển và cứu trợ của Đức hoạt động trên phạm vi toàn cầu, với ngân sách cam kết hàng năm lên đến 10 triệu EURO từ nguồn tài trợ là Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức, cùng các nguồn tài trợ khác.

Tổ chức Bánh mì cho Thế giới luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đối tác phi lợi nhuận, các trường đại học và các viện nghiên cứu, các cơ quan chính phủ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

“Trong 25 năm qua, Tổ chức Bánh mì cho Thế giới đã đồng hành cùng nhiều tổ chức đối tác ở Việt Nam để thực hiện 450 dự án và chương trình, trực tiếp hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người đang gặp khó khăn. Quan hệ đối tác đa phương nhấn mạnh các giải pháp xanh đối với biến đổi khí hậu, bao gồm các mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường, sinh kế thích ứng với khí hậu, các sáng kiến về năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo, tăng cường hấp thụ các-bon và thúc đẩy khôi phục hệ sinh thái, và nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu cho các cộng đồng còn gặp khó khăn” – bà Eva-Maria Jongen chia sẻ.

 “Các đối tác của tổ chức Bánh mì cho Thế giới đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sinh kế, cũng như là bảo tồn và phát triển kiến thức bản địa”. Eva-Maria Jongen khẳng định

Con đường Xanh hướng tới phát triển cộng đồng bền vững

Bà Vũ Thị Bích Hợp, Chủ tịch Hội đồng quản lý, giám đốc trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD)

Thông qua những hoạt động của các đối tác của Tổ chức Bánh mì cho Thế giới, người dân địa phương, đặc biệt là người nghèo dân tộc thiểu số được tăng cường năng lực, xác định được các tốt nhất để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với bối cảnh của mình. Trong đó, các biện pháp do nông dân đề xuất và thực hiện như loại bỏ hoàn toàn thuốc diệt cỏ, giảm hóa chất, ủ phân compost và sử dụng chế phẩm sinh học kiểm soát sâu bệnh, đã giúp phục hồi các hệ sinh thái đồng thời cải thiện các sinh kế địa phương. Các đối tác của tổ chức Bánh mì cho Thế giới đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sinh kế, cũng như là bảo tồn và phát triển kiến thức bản địa.

Bên cạnh đó, tổ chức Bánh mì cho Thế giới và các đối tác đã đẩy mạnh các giải pháp về tiếp cận năng lượng sạch trong các cộng đồng, gia tăng các cơ hội phát triển công bằng; đảm bảo sức khỏe và phát triển bền vững cho người dân địa phương.

Tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện và hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng

Theo Bà Eva-Maria Jongen, Trưởng Văn phòng đại diện Bánh mì cho Thế giới khu vực Việt Nam – Lào: biến đổi khí hậu là vấn đề, thách thức mà chúng ta không thể nào bỏ qua được. Nó cũng là thách thức lớn đối với phần lớn cộng đồng dễ bị tổn thương ở các dự án mà chúng tôi hỗ trợ. Chính vì vậy, chúng tôi đã ưu tiên rất nhiều kinh phí để tài trợ các dự án giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu và tăng cường năng lực biến đổi khí hậu và năng lực chống chịu biến đổi khí hậu ở các cộng đồng.

Khi chúng tôi thực hiện các giải pháp giảm thiểu hay thích ứng với biến đổi khí hậu đều có hoạt động hỗ trợ sinh kế bền vững cho cộng đồng. Ngoài ra, chúng tôi hợp tác với các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu để xây dựng cơ sở học tập nhằm chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến kiến thức biến đổi khí hậu. Và, góp phần tích cực để nâng cao năng lực cho cộng đồng và những đối tác đang hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu này.

Tại Hội thảo các đối tác thực hiện những dự án của Tổ chức Bánh mì cho Thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm, cũng như hiệu quả khi thực hiện dự án. Bà Chu Thị Hà – Giám đốc Chương trình Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã có chia sẻ về việc hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân: 3 dự án mà Tổ chức ActionAid Việt Nam và Quỹ AFV đang thực hiện có độ phù hợp và bổ trợ rất lớn đối với những chương trình, dự án các đối tác đang triển khai.

“Dự án có nhiều hoạt động nhưng tập trung vào nâng cao năng lực và hiểu biết và cam kết chuyển đổi năng lượng cho những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, AFV hỗ trợ 248 hộ gia đình lắp đặt mô hình năng lượng, sản xuất năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời), sử dụng cho 2 mục đích chính là nuôi tôm ăn nuôi, tôm hộ gia đình. Hiện nay chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm và đang nghiên cứu và đưa vào triển khai trên diện rộng” – bà Chu Thị Hà cho biết.

Tại Hội thảo, chia sẻ về việc được hưởng lợi từ dự án do AFV thực hiện, Ông Trịnh Văn Hoặt đến từ ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây, tỉnh Bạc Liêu – đại diện một hộ gia hưởng lợi từ dự án cho biết: “Tổ chức Bánh mì cho Thế giới và Quỹ AFV đã hỗ trợ gia đình 70 triệu đồng và chúng tôi đối ứng 21 triệu đồng; nhờ đó chúng tôi sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời, đã làm được 2 ao nuôi tôm và 1 ao xử lý nước thải. Sau 1 năm tôi đã đối ứng đủ 21 triệu đồng và hiện nay mỗi tháng gia đình tiết kiệm được 1,5 triệu đồng tiền điện”.

Thông qua 3 phiên hội thảo chuyên đề: “Thực hành ứng phó biến đổi khí hậu”, “Năng lượng tái tạo”; “Nông nghiệp sinh thái bền vững”, các đại biểu đến từ các tổ chức trong nước và quốc tế cùng với đại diện phía người dân được hưởng lợi từ dự án đã chia sẻ những kinh nghiệm thực hành hiệu quả.

Các trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo này nhấn mạnh việc sử dụng các phương pháp tiếp cận nông nghiệp sinh thái, theo đó giới thiệu các lộ trình tiềm năng về phát triển nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp sinh thái tích hợp các nguyên tắc sinh thái và các vấn đề kinh tế – xã hội vào trong các hệ thống sản xuất nông nghiệp.

“Các cánh đồng mẫu ở vùng Tây Bắc cho thấy nông nghiệp sinh thái có thể ngăn cản sự suy thoái của các hệ sinh thái, khôi phục đa dạng sinh học, và cải thiện các sinh kế cho người dân địa phương, đặc biệt là nhóm người dân tộc thiểu số, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, thông qua các biện pháp sinh học, các lộ trình nông nghiệp sinh thái có thể làm giảm việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp” – Bà Vũ Bích Hợp, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) cho chia sẻ.

Con đường Xanh hướng tới phát triển cộng đồng bền vững

Đại diện WWF chia sẻ tại Phiên hội thảo “Năng lượng tái tạo”

Tại sự kiện, Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên cho biết, từ tháng 7/2019-6/2022, được sự tài trợ Tổ chức Bánh mì cho Thế giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thái Nguyên đã triển khai Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình kinh doanh”.

Dự án được thực hiện tại 18 xóm của 2 xã Yên Ninh và Yên Đổ, hưởng lợi trực tiếp là 1.000 gia đình phụ nữ nghèo. Đây là những xã miền núi cách xa trung tâm huyện, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Sau 3 năm thực hiện, một trong những tác động rõ nét nhất là cải thiện thu nhập của hộ gia đình hưởng lợi trong sản xuất nông nghiệp. Trên 90% số hộ có nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi đều tăng 30-100% so với năm 2018. Nhiều hộ đã mua sắm được thiết bị sinh hoạt gia đình, xây mới sửa chữa nhà ở, có tiền trả nợ hoặc gửi tiết kiệm…

Đối với khu vực ven biển, rừng phòng hộ có tầm quan trọng đặc biệt trong việc chống sạt lở, giảm nhẹ thảm họa thiên tai. Dự án về tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện từ năm 2021 – 11/2024, được Bộ Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Cộng hòa Áo thông qua Tổ chức Bánh mì cho Thế giới tài trợ.

Con đường Xanh hướng tới phát triển cộng đồng bền vững

Con đường Xanh hướng tới phát triển cộng đồng bền vững

Triển lãm giới thiệu các mô hình thành công của Dự án

Đại diện dự án ở tỉnh Sóc Trăng cũng cho hay: “Chúng tôi hướng đến các đối tượng chủ yếu là người nghèo, bà con dân tộc thiểu số. Chúng tôi vận động chính quyền địa phương giao đất, giao rừng cho bà con quản lý, tiếp cận, bảo vệ và qua đó bà con có thể nuôi trồng thủy sản dưới tán lá rừng, phát triển sinh kế bền vững, theo phương thức thủy sản sạch, sinh thái”.

Tại Cà Mau, Dự án đã thành lập được 14 nhóm tự quản lâm nghiệp thôn bản, cấp thiết bị GPS, trang phục bảo hộ đi rừng cho các tổ; thành lập 14 nhóm sở thích nông dân với 360 hộ và 2 nhóm với 40 hộ không có đất. Các giải pháp nuôi trồng thuỷ sản dưới tán rừng ngập mặn kết hợp nâng cao khả năng tích luỹ carbon, tăng cường năng lực ứng phó của dự án là một giải pháp phù hợp với vùng ven biển, vùng đệm vừa tạo ra thu nhập cho người dân, phát triển sinh kế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cao hơn. Đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đến rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, phù hợp với người dân địa phương.

“Sứ mệnh của chúng tôi là nâng cao năng lực cho các cộng đồng người nghèo và dễ bị tổn thương trước khí hậu để cải thiện các điều kiện sống cho người dân địa phương. Các nguyên tắc định hướng của chúng tôi là công bằng xã hội và công bằng giới, trách nhiệm về sinh thái, phát triển kinh tế-xã hội bao trùm, và đề cao hợp tác và đối thoại với đối tác”- Bà Eva-Maria Jongen nhấn mạnh.

Hiện tại, Tổ chức Bánh mì cho thế giới đang hỗ trợ cho 42 tổ chức đối tác chủ yếu là các tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức đoàn thể địa phương và 62 dự án tại Việt Nam và Lào. Các dự án này được triển khai trên địa bàn 20 tỉnh ở Việt Nam (trong đó tập trung vào các tỉnh ở miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long) và 12 tỉnh ở Lào.

Thu Loan