Thiếu liên kết trong xúc tiến đầu tư

Việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của các tỉnh đến nay vẫn trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Bài toán liên kết giữa các tỉnh làm sao để thu hút FDI hiệu quả dường như vẫn đang bị bỏ ngỏ. Ông Phan Hữu Thắng (ảnh), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, năm 2017 đánh dấu mốc 30 năm thu hút FDI của Việt Nam kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực. Ông có đánh giá như thế nào về tình hình thu hút FDI của các địa phương?

Có thể nói, mục tiêu của thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư là tối ưu hóa nguồn vốn FDI mà chúng ta thu hút được để phát huy hết hiệu quả và mang lại lợi ích to lớn phục vụ mục tiêu phát triển chung của nền kinh tế, chứ không chỉ riêng tỉnh nào.

Tuy nhiên, trên thực tế, địa phương nào có lợi thế hơn (về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng…) thì sẽ có điều kiện thu hút vốn nhiều hơn. Trong giai đoạn đầu (15 năm đầu), vốn FDI tập trung vào khoảng 15-20 tỉnh có điều kiện thuận lợi hơn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… Sau đó, điều kiện kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng phủ rộng trên toàn quốc, thu hút FDI bắt đầu có kết quả theo sự mở cửa của Việt Nam nói chung và sự chủ động thu hút FDI của các địa phương nói riêng. Dù chưa có những điều kiện thuận lợi, một số địa phương cũng bắt đầu thu hút được FDI như Nha Trang, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Cần Thơ, Nghệ An…

Vậy việc thu hút FDI đã đạt được mục tiêu đặt ra chưa và còn có tồn tại vấn đề gì, thưa ông?

Nhìn vào tổng thể, mặt tích cực của thu hút FDI thời gian qua là chủ yếu, tồn tại là thứ yếu. Xúc tiến đầu tư là một trong các bộ phận về công tác quản lý FDI nói chung, đã có đóng góp nhất định trong thắng lợi chung của việc thu hút FDI, tuy nhiên trong quá trình phát triển có một số tồn tại nhất định, nổi bật lên một số điểm yếu về xúc tiến đầu tư.

Nếu đặt câu hỏi về sự liên kết giữa các địa phương đã chặt chẽ, hiệu quả chưa thì rõ ràng, việc này chưa đạt được dù đã được Chính phủ, cơ quan quản lý quan tâm.

Cơ quan quản lý nhà nước về FDI tại Việt Nam là Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã thành lập 3 trung tâm xúc tiến đầu tư ở 3 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng để làm đầu mối của Trung ương tại địa phương, thực hiện hỗ trợ phối hợp và là đầu mối liên kết giữa các địa phương để thu hút FDI không chỉ cho riêng một tỉnh mà cho cả khu vực. Tuy nhiên, mục tiêu đó đến thời điểm này chưa đạt được, địa phương cũng chưa có sự hợp tác với nhau, vai trò của các trung tâm không thể hiện hết do có nhiều vướng mắc.

Cụ thể, quy hoạch mỗi địa phương là riêng biệt, ngân sách mỗi địa phương là riêng biệt và mục tiêu thu hút của mỗi địa phương cũng khác nhau. Ví dụ, tỉnh A nhằm vào nhà đầu tư Nhật Bản, địa phương B nhằm vào nhà đầu tư Hàn Quốc…, yêu cầu và năng lực khác nhau. Bên cạnh đó, vai trò hướng dẫn của các trung tâm xúc tiến đầu tư dù có nhưng quyền quyết định lại nằm ở các địa phương cho nên không thể can thiệp sâu vào quyết định của địa phương.

Để tăng cường hiệu quả công tác này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, trong đó các đoàn xúc tiến đầu tư có  sự tham gia của các địa phương, thậm chí còn có những cuộc xúc tiến đầu tư cho cả khu vực. Dù có làm được nhưng hoạt động này không áp đảo được xu thế manh mún, tự làm, tự thu hút của các địa phương.

Ngoài ra, các mặt còn tồn tại của công tác xúc tiến là do cơ cấu tổ chức mỗi địa phương khác nhau, có địa phương thành lập trung tâm xúc tiến đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, có địa phương do Văn phòng UBND làm luôn, có địa phương trung tâm xúc tiến trực thuộc UBND tỉnh… Những vấn đề này cho thấy sự thiếu liên kết của các địa phương.

Thời gian qua, Chính phủ có nói đến vấn đề liên kết vùng để phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng. Theo ông, có thể liên hệ giữa liên kết vùng với liên kết thu hút FDI không?

Trên thực tế, các tỉnh cũng không đặt ra được mục tiêu để tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư. Vấn đề là vai trò quản lý của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tức là muốn tối ưu hóa được nguồn vốn thu hút thì phải có quy hoạch thu hút FDI để phát triển kinh tế ngành, kinh tế vùng. Trên cơ sở đó, địa phương thực hiện đúng theo quy hoạch, từ đó tối ưu hóa được nguồn vốn thu hút FDI. Ví dụ, cả 5 địa phương đều thu hút vào thép, 7 địa phương đều “chạy” vào nuôi tôm thì không thể được.

Muốn các địa phương liên kết phải dựa trên cơ sở địa phương thông tin với nhau, cùng thực hiện quy hoạch đầu tư đó của Chính phủ thì mới hiệu quả. Chẳng hạn, tôi đi Hàn Quốc để vận động vào dự án thép của tôi, nhưng ông bên cạnh không có quy hoạch thép thì không thể đi cùng tôi. Do vậy, phải có quy hoạch của cả nước, cả vùng, ngành để địa phương phối hợp với nhau đi cùng một lần.

Nói tóm lại, để các địa phương liên kết với nhau phải có cơ sở nhất định và có sự thống nhất giữa các lãnh đạo địa phương. Bên cạnh đó, phải có “cây gậy” của Trung ương tức là những hướng dẫn, chỉ đường để địa phương liên kết.

Để khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm”, ông có cho rằng phải có cơ quan đứng ra để quản lý không?

Trong thể chế hiện nay, địa phương làm theo mục tiêu, định hướng của họ, không có vấn đề gì sai, hơn nữa không có chính sách pháp luật nào bắt buộc họ phải liên kết. Tôi cho rằng, vấn đề vẫn nằm ở chỗ cần có hướng dẫn chung của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có làm nhưng cũng không thực hiện được bởi hướng dẫn phải mang tính pháp lý, có ràng buộc. Trong khi đó, tôi xin nhắc lại là nhu cầu của các địa phương khác nhau, không khớp nên không dễ để liên kết. Hơn nữa, về hình thức, lãnh đạo của các địa phương có bắt tay nhau, có liên kết nhưng thực tế không có quy định nào đánh giá, kiểm điểm dựa theo mức độ liên kết của các địa phương với nhau. Nơi nào cũng chạy theo GDP của mình, chạy đua để thu hút FDI.

Theo tôi, vẫn cần có hướng dẫn, quy hoạch để xác định không thu hút FDI bằng mọi giá, phải có chọn lựa đối tác, dự án hướng tới đầu tư xanh, sạch. Vị thế kinh tế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng lớn, nhiều lĩnh vực chúng ta có thể làm được, phải xây dựng làm sao DN Việt Nam lớn mạnh để nền kinh tế Việt Nam phải đi bằng đôi chân của mình.

Xin cảm ơn ông!