Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trên địa bàn huyện Điện Biên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, huyện đã có nhiều giải pháp thiết thực vận động người dân thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường, chung sức cùng cộng đồng góp phần cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống. Trước đây, công tác bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn huyện Điện Biên còn nhiều bất cập do chưa kiểm soát được việc xử lý bao bì, thuốc bảo vệ thực vật; tỷ lệ thu gom rác thải ở nông thôn còn thấp; chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường; chất thải rắn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh không thu gom, xử lý theo quy định.

Ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới, xã Noong Hẹt luôn quan tâm, coi trọng nhiệm vụ cải thiện, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống một cách toàn diện và đồng bộ. Nhờ vậy diện mạo nông thôn ở xã ngày một đổi mới, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Cùng với đó, Đảng ủy, UBND, MTTQ và các tổ chức đoàn thể của xã tăng cường công tác phối hợp vận động người dân thông qua các hình thức như tuyên truyền, qua các buổi họp của các chi hội, đoàn thể, tổ nhân dân tự quản… Trong tuyên truyền, chú trọng làm cho người dân hiểu rõ mục tiêu của tiêu chí, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và từ đó có hành động cụ thể.

a1.jpg
Bà con nhân dân tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tham gia bảo vệ môi trường

Trong thực hiện tiêu chí về môi trường, xã đã giao cho các tổ chức chính trị – xã hội phụ trách từng thôn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phân loại rác thải ngay từ gia đình. Rác hữu cơ sẽ được tận dụng để làm phân bón cho cây trồng, rác thải nhựa, túi ni-lon sẽ được thu gom, phân loại để xử lý. Đồng thời, phân công Hội Phụ nữ đẩy mạnh thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân thực hiện phát triển kinh tế, xây dựng mô hình tổ tự quản an ninh trật tự; Đoàn Thanh niên hỗ trợ thanh niên phát triển doanh nghiệp, mô hình kinh tế của các bạn trẻ tại địa phương; Hội Cựu chiến binh vận động xóa nhà tạm bợ, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại…được phát động sôi nổi ở các thôn, bản trên địa bàn xã.

Tại xã Mường Pồn, theo ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã: Xác định môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, xã đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, các chương trình hành động, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm để triển khai rộng khắp đến tất cả các đơn vị trên địa bàn xã. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh, lắp đặt panô, khẩu hiệu, tổ chức thực hiện các mô hình như: Trồng hoa ven đường, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, xã Mường Pồn đã được công nhận đạt chuẩn về tiêu chí môi trường, với trên 90% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt gần 80%.

a2.jpg

Hiện toàn huyện có trên 90% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; các công trình vệ sinh môi trường cho hộ gia đình, xây dựng bể thu gom rác thải tại các xã trên địa bàn huyện được các cấp chính quyền chú trọng thực hiện. Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, và triển khai thành lập tổ tự quản môi trường tại các xã, thôn bản được phát huy… qua đó nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, sản xuất chế biến, dần thay đổi được hành vi của người dân trong bảo vệ và giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư.

Thời gian tới huyện Điện Biên tiếp tục tích cực phối hợp làm tốt công tác vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện như: Tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn người dân chủ động phân loại, xử lý rác tại cộng đồng dân cư và hộ gia đình; tập trung xử lý vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi. Làm đẹp cảnh quan các công trình công cộng. Đồng thời có cơ chế, chính sách để tạo nguồn lực cho giải quyết các vấn đề môi trường nông thôn; phát động phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; trong đó, nội dung chủ yếu hướng vào xử lý môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp ở từng hộ và cộng đồng dân cư