Người nông dân làm giàu từ đất

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Trần A Sám ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) còn tạo việc làm cho nhiều lao động nghèo trên địa bàn, giúp người dân khó khăn phát triển kinh tế. Ông cũng là người có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động từ thiện xã hội

img_20230404_131605.jpg
Nhờ dám nghĩ dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông Trần A Sám đã có cuộc sống sung túc, đủ đầy

Khó khăn không nản chí

Ông Trần A Sám, 57 tuổi, là người dân tộc Hoa. Sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai nhưng do đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, làm đủ nghề mà vẫn nghèo thế nên năm 1994, A Sám cùng gia đình rời Đồng Nai, khăn gói vào Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) lập nghiệp. Thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng chính là nơi gia đình dừng bước, quyết định lựa chọn làm quê hương thứ hai.

Thời gian đầu ở vùng đất này, tất cả đều mới mẻ đối với ông. Với khát khao thay đổi cuộc sống và quyết tâm “phải bám trụ được ở vùng đất mới”, A Sám đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, bắt tay vào mày mò tìm hiểu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… để chọn hướng phát triển kinh tế của gia đình.

Nhận thấy đất đai và khí hậu ở Phú Riềng phù hợp với cây cà phê, ông Sám quyết định chọn cà phê làm cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, may mắn không dễ chiều lòng người, vụ thu hoạch đầu tiên, dù được mùa nhưng giá cà phê biến động, lợi nhuận thu được thấp nên cuộc sống gia đình A Sám vẫn rất khó khăn.

Không nản chí, năm 2000, A Sám lại mạnh dạn chuyển đổi từ trồng cà phê sang trồng 500 trụ hồ tiêu và 400 gốc sầu riêng, trong đó, sầu riêng được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Lần này, mồ hôi công sức của gia đình đã được bù đắp bằng “quả ngọt”, sau nhiều năm tích góp, năm 2014, gia đình ông đã mua thêm đất, trồng thêm 2,5ha hồ tiêu và 4ha sầu riêng.

Thêm đất là thêm vất vả khó khăn, thêm thời gian chăm bón cây, dưỡng đất. Thời điểm đó, hầu như thời gian và công sức, A Sám đều dành hết cho cây. Những tưởng chăm cây chỉ chờ đến ngày hái quả, thế nhưng, một lần nữa, “số phận” lại thử thách lòng người, do chưa am hiểu kỹ thuật nên năng suất vườn hồ tiêu và sầu riêng của gia đình vẫn không được như kỳ vọng.

Cho đến bây giờ, người nông dân chất phác thật thà vẫn chưa quên cái ơn mà cán bộ Hội Nông dân đã mang đến cho ông lúc ông đang bắt đầu hoang mang. Khi ấy, được chia sẻ khó khăn, rồi được mở ra hướng làm ăn bền vững dựa vào cộng đồng và kỹ thuật, ông vui như mở cờ khi tìm ra được hướng đi mới, tích cực tham gia Hội Nông dân để học hỏi kinh nghiệm từ hội viên về quy trình trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, sầu riêng.

Dần dần, ông nắm vững quy trình trồng, chăm sóc cây hồ tiêu, sầu riêng và áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật như chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… “Cái cây nó cũng như con người thôi, mình bắt nó làm giàu cho mình mà mình không hiểu nó thì mình không tốt rồi. Mà mình muốn hiểu nó thì mình phải biết nó sống được ở đâu, nó thích ăn uống như thế nào. Khó lắm nhưng mà có Hội Nông dân giúp nên việc khó giờ thành không khó nữa”.

Ông Sám thật thà chia sẻ. Từ khi vào Hội Nông dân, được cán bộ Hội, hội viên đồng hành, hướng dẫn, những năm gần đây, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân hàng năm của gia đình ông đạt khoảng 1,2 tỷ đồng.

Nắm bắt xu hướng mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi đúng và là mục tiêu phát triển bền vững, ông Sám đã chuyển đổi phương thức sản xuất để nông sản đạt chất lượng cao hơn. Vất vả quen rồi nên việc gì đối với ông cũng đơn giản. Kiểu thế này: “Đơn giản lắm, miễn là mình phải hiểu bản chất của cái sạch, hiểu rồi thì mình phải áp dụng một cách thành thật, mình cũng phải chịu khó vì muốn sạch thì phải nhiều công đoạn hơn một chút”.

Nói rồi, ông giải thích: Để bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm sạch, trong quá trình sản xuất, ông sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ, hạn chế dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong chăm sóc vườn cây. Ngoài ra, ông cũng để cỏ phát triển tự nhiên giúp vườn giữ được độ ẩm, vi sinh vật có lợi phát triển. Định kỳ, ông dùng máy phát cỏ dọn dẹp, sử dụng cỏ kết hợp rác hữu cơ ủ phân bón, tạo dưỡng chất và độ mùn, sự tơi xốp cho đất. Từ khi chuyển sang phương pháp sản xuất sạch, chất lượng đất đã được cải tạo, cây sinh trưởng tốt hơn, chất lượng trái thơm ngon hơn, dễ truy xuất nguồn gốc, nhất là bảo vệ được sức khỏe và môi trường.

img_20230404_131613.jpg
Trần A Sám cùng hội viên nông dân chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng hữu cơ

Cùng nhau làm giàu
Trải qua bao vất vả khó khăn, bao buồn vui trước thất bại, thành công, giờ đây gia đình A Sám đã có cuộc sống đầy đủ, có của ăn của để. Trong sự ổn định về kinh tế của gia đình hôm nay, ông chưa bao giờ quên những ngày tháng khó khăn và những người đã vì ông mà vất vả, giúp ông vượt qua những thời điểm chênh chao.

Vì thế, với kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được, ông đã giúp nhiều gia đình khó khăn trong vùng phát triển kinh tế như chính ông ngày trước được bà con giúp đỡ lúc khó khăn. Gia đình anh Vòng Đậu Sáng ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân là một trong những hộ được ông A Sám giúp đỡ để phát triển cây trồng. Gia đình anh Sáng có 2ha sầu riêng trồng theo lối truyền thống và ít vốn nên năng suất thấp. Nhờ được chia sẻ kinh nghiệm, chăm sóc cây trồng từ ông Sám, vườn sầu riêng của gia đình anh phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao hơn và có thu nhập ổn định hơn.

Nhắc tới ông A Sám, trong mắt anh Sáng ánh lên những tình cảm trìu mến biết ơn. Anh bảo: “Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, ông Sám còn hỗ trợ bên gia đình mình phân bón, chủ yếu là phân hữu cơ. Ông đã cho mình sử dụng số phân đó trong khoảng thời gian một năm. Ông còn hỗ trợ mình vốn không lấy lãi để tạo điều kiện cho gia đình mình phát triển kinh tế. Nhờ ông Sám, gia đình mình giờ không còn thiếu thốn nữa, bữa ăn đã có thịt cá, con cái cũng có điều kiện đến trường”.

Không riêng gì anh Sáng mà ở thôn Đồng Tiến, ông Trần A Sám đều được bà con rất mực yêu thương, tín nhiệm. Ông được biết đến không chỉ vì sản xuất, kinh doanh giỏi mà ông và gia đình còn luôn đi đầu trong các hoạt động do Hội Nông dân và địa phương phát động. Cùng các nhà hảo tâm, hằng năm, gia đình ông giúp đỡ trên 20 hộ khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồ tiêu, sầu riêng; chia sẻ kiến thức khoa học – kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, vật tư… giúp các hộ vươn lên thoát nghèo. Ngoài tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, ông còn đóng góp làm đường giao thông, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn. Ông lại cho bà con hộ nghèo, khó khăn không có điều kiện mua vật tư nông nghiệp vay vốn không lấy lãi hơn 40 triệu đồng/năm và hỗ trợ 5 hộ khó khăn về giống, kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tân – Mông Văn Tài luôn cảm thấy hãnh diện vì có một hội viên như ông Trần A Sám. Theo ông Tài, hội viên A Sám là một người tích cực, năng động trong công tác sản xuất cũng như trong công tác xã hội. Ông Sám và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực hiệu quả vào mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Hàng năm, ông tạo việc làm cho 15 lao động địa phương với mức lương khoảng 48 triệu đồng/người/năm. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, gia đình ông có những phần quà dành tặng hộ nghèo, hộ khó khăn…

Ông Trần A Sám giàu tiền giàu của, giàu kinh nghiệm sản xuất, nhưng ở đây ai cũng bảo A Sám giàu nhất là tấm lòng, ai cũng bảo người như A Sám ở đất nào thì đất ấy cũng thương mà cho trái ngọt.

Từ thành quả trong sản xuất, 8 năm liên tục, ông Trần A Sám đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, có 5 năm liền đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện giai đoạn 2015 – 2019 và 3 năm đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Năm 2022, ông Trần A Sám vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước.